Sở Y tế triển khai tiêm 19.000 liều vắc xin phòng COVID-19 trong đợt 2 năm 2021
Chủ nhật - 06/06/2021 02:24
Ngày 04/6/2021, Sở Y tế ban hành Kế hoạch số 56/KH-SYT về Tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Định đợt 2, năm 2021. Theo đó trong đợt 2 này, Bình Định triển khai tiêm 19.000 liều vắc xin AstraZeneca phòng COVID-19 được Bộ Y tế cấp theo Chương trình COVAX Facility hỗ trợ.
Theo kế hoạch thời gian thực hiện từ ngày 08/6/2021 và hoàn thành đợt tiêm chủng trước ngày 15/8/2021; từ ngày 15/8/2021 đến 25/8/2021 tiếp tục rà soát, tổ chức tiêm vét cho các đối tượng trong diện tiêm đợt 1, 2 chưa được tiêm chủng. Đối tượng được tiêm chủng đợt này là các nhóm đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ, cụ thể:
- Tiêm mũi 2 cho các đối tượng đã tiêm mũi 1 sau 8-12 tuần, kể từ ngày được tiêm mũi 1.
- Tiêm mũi 1 cho các đối tượng theo thứ tự ưu tiên như sau:
+ Nhóm 1: Người làm việc trong các cơ sở y tế, người tham gia phòng, chống dịch chưa được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 (Thành viên của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ Covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...).
Riêng lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng, đối tượng tiêm chủng đợt này do Công an tỉnh và BCH Bộ đội Biên phòng quyết định theo số vắc xin phòng COVID-19 được phân bổ (500 liều cho lực lượng Công an và 510 liều cho lực lượng Bộ đội Biên phòng). + Nhóm 2: Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh;
+ Nhóm 3: Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện nước...
+ Nhóm 4: Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo (ưu tiên nhóm đối tượng là giáo viên các trường trung học phổ thông, đại học, cao đẳng, trung cấp trước); người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.
Căn cứ số lượng vắc xin được phân bổ và số đối tượng được tiêm chủng trong thực tế. Các đơn vị có thể mở rộng tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên thuộc các nhóm khác theo quy định tại Nghị quyết số 21/NQ-CP để bảo đảm sử dụng hết vắc xin được phân bổ trong đợt 2.
Trong kế hoạch tiêm chủng đợt 2 này, ngành Y tế huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng gồm: Bệnh viện tuyến Trung ương, các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố. Tổ chức triển khai tiêm chủng ngay sau khi tiếp nhận vắc xin, thực hiện tiêm chủng đúng đối tượng, đảm bảo sử dụng hết vắc xin do Bộ Y tế cung cấp. Đảm bảo an toàn tiêm chủng và xử trí cấp cứu kịp thời theo các hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế. Với mục tiêu, trên 95% đối tượng đã được tiêm vắc xin AstraZeneca mũi 1 trong đợt 1 sẽ được tiêm mũi 2 theo quy định của Bộ Y tế; trên 95% đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ đăng ký tiêm vắc xin AstraZeneca mũi 1 đợt 2 (theo số lượng vắc xin được phân bổ đợt 3 của Bộ Y tế) sẽ được tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức tiêm chủng bảo đảm an toàn, đạt tiến độ, đáp ứng nhanh cho công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo an toàn tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai thực hiện theo nhiệm vụ được giao. Trong đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là đầu mối tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch; tổ chức tập huấn tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho các đơn vị y tế trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức các hoạt động truyền thông về chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; tiếp nhận, bảo quản, cấp phát vắc xin cho các đơn vị theo kế hoạch phân bổ của Sở Y tế; tham mưu cho Sở Y tế thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát trước, trong và sau chiến dịch; hỗ trợ các điểm tiêm triển khai tổ chức tiêm chủng đảm bảo an toàn, đúng kế hoạch; đảm bảo tổ chức buổi tiêm chủng đạt hiệu quả, công bằng, đúng đối tượng...
Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, bố trí điểm tiêm, nhân lực triển khai tiêm chủng theo số lượng vắc xin được phân bổ. Tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên thuộc đơn vị mình và các đối tượng ưu tiên khác trên địa bàn; tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng tại địa phương về kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19; tiếp nhận, bảo quản, cấp phát vắc xin cho các điểm tiêm chủng trên địa bàn; thành lập các đội cấp cứu, kịp thời xử trí các phản ứng sau tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn; rà soát danh sách đối tượng tiêm chủng trên địa bàn, gửi danh sách về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật theo quy định; tổ chức các buổi tiêm chủng đảm bảo an toàn, chất lượng; sẵn sàng các phương án xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm.
Các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh tổ chức điểm tiêm chủng trong bệnh viện để tiến hành tiêm chủng cho các đối tượng thuộc đơn vị mình và các đối tượng ưu tiên theo sự phân công của Sở Y tế; chuẩn bị đầy đủ thuốc, phương tiện, dụng cụ cấp cứu phản vệ và phân công nhân viên y tế có kinh nghiệm và chuyên môn phù hợp trực cấp cứu tại đơn vị trong những ngày diễn ra chiến dịch để tiếp nhận, xử trí kịp thời các phản ứng sau tiêm chủng (nếu có); phối hợp điều tra, đánh giá nguyên nhân các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng; tiếp nhận, bảo quản và sử dụng vắc xin, vật tư tiêm chủng phục vụ tiêm chủng tại cơ sở mình theo đúng quy định./.
Tác giả bài viết: Thu Hiền (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)