Bình Định: Đã có gần 22.000 người được tiêm vắc xin đợt 2, không có trường hợp phản ứng nặng

Thứ bảy - 19/06/2021 06:48
Theo kế hoạch của Sở Y tế, chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 2 tại Bình Định diễn ra từ ngày 08/6 đến hết ngày 15/8/2021, hoàn thành tiêm vét đến 25/8/2021; đối tượng được tiêm chủng đợt này là các nhóm đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, tổng số đối tượng đợt 2 tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là: 9.732 đối tượng mũi 2 và 10.626 đối tượng mũi 1. Theo kế hoạch có 18.870 liều vắc xin phòng COVID-19 sử dụng trong đợt 2 này.
Quang cảnh Hội nghị tập huấn trực tuyến bảo đảm an toàn tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Quang cảnh Hội nghị tập huấn trực tuyến bảo đảm an toàn tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Theo Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong đợt 2 đến ngày 18/6/2021, Bình Định đã tiêm được 21.736 liều vắc xin phòng COVID-19. Trong đó, số người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là 6.900 người. Được biết, Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 2 trên toàn tỉnh không ghi nhận trường hợp nào phản ứng nặng sau tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Trước khi đưa vắc xin vào triển khai, tất cả các điểm tiêm chủng được Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật kiểm tra, giám sát chặt chẽ và bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định. Trong quá trình triển khai, người đến tiêm chủng đều được khám sàng lọc trước tiêm chủng và yêu cầu khai báo về tình trạng sức khỏe, bệnh nền và các mũi tiêm chủng trong thời gian gần đây để cán bộ y tế đưa ra chỉ định phù hợp. Đồng thời người đến tiêm chủng được tư vấn đầy đủ về tác dụng và những sự cố bất lợi có thể xảy ra, những dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần thông báo cho cán bộ y tế. Cũng theo Báo cáo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 18/6/2021, có 272 trường hợp có phản ứng nhẹ; 107 trường hợp có phản ứng đau, sưng tại chỗ tiêm; 14 trường hợp có biểu hiện nôn, buồn nôn; 04 trường hợp tiêu chảy, đau bụng; 152 trường hợp sốt < 39 độ; 07 trường hợp sốt ≥ 39 độ; 01 trường hợp đau họng, chảy nước mũi; 46 trường hợp ớn lạnh; 101 trường hợp đau đầu; 01 trường hợp phát ban; 76 trường hợp có triệu chứng khác và không ghi nhận trường hợp nào phản ứng nặng sau tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Tính đến thời điểm này, nhiều đơn vị đã hoàn thành 100% việc tiêm chủng cho các đối tượng được ưu tiên trong đợt 2 như: Tây Sơn, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn. Các địa phương yêu cầu người đi tiêm chủng thông báo đầy đủ tình trạng sức khỏe và tiền sử tiêm chủng cho cán bộ y tế như các bệnh nền, các bệnh cấp tính mắc và sử dụng thuốc trong thời gian gần đây, lưu ý các trường hợp có tiền sử dị ứng. Các biểu hiện về sức khỏe được theo dõi chặt chẽ và báo cáo đầy đủ hằng ngày cho thấy công tác triển khai được thực hiện tốt, hệ thống giám sát phản ứng sau tiêm chủng hoạt động tích cực và vắc xin tiếp tục được triển khai an toàn.
Vắc xin là một trong những biện pháp chủ động để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, vắc xin phòng COVID-19 hiện nay theo các chuyên gia y tế có tác dụng trên thực tế giảm số người nhiễm virus, giảm số trường hợp mắc bệnh và giảm số người phải nhập viện điều trị và tử vong.
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng tốt nhất, ngày 19/6/2021, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến bảo đảm an toàn tiêm chủng vắc xin COVID-19. Ông Trần Văn Thuấn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội nghị cùng kết nối trực tuyến hơn 700 điểm cầu các tỉnh, thành phố, huyện, thị xã ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu Bình Định, tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Văn Trung – Phó Giám đốc Sở Y tế và Lãnh đạo các phòng: Nghiệp vụ Y, Nghiệp vụ Dược, Thanh tra Sở; đại diện Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Lãnh đạo các đơn vị có liên quan.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết: Đằng sau mỗi mũi tiêm là sức khỏe, tính mạng của mỗi con người. Để đảm bảo công tác tiêm chủng, ngành Y tế phải nỗ lực từng khâu: từ giám sát chặt chẽ việc bảo quản và vận chuyển vắc xin để đảm bảo chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm; đảm bảo tiêm chủng an toàn, đúng đối tượng; xử lý nhanh chóng và hiệu quả các trường hợp phản ứng sau tiêm (nếu có). Do đó, các cán bộ y tế phải thực hiện đúng các hướng dẫn chuyên môn, quan tâm đến công tác xử trí, cấp cứu, đảm bảo tiêm mũi nào, an toàn mũi tiêm ấy.
GS.TS Nguyễn Văn Kính- Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn các bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế cho biết: cơ chế bệnh sinh và lây của COVID-19 đã rõ ràng, các biến thể COVID-19 lây lan nhanh, từ giọt bắn sang lây qua đường không khí, khoảng cách 2m không còn là an toàn đối với những nơi không thông khí, tập trung đông người. COVID-19 ẩn dưới nhiều bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, có thời gian ủ bệnh nên nguy cơ bùng phát dịch luôn hiện hữu. Do đó, ngoài thực hiện 5 K phải tiêm vắc xin là biện pháp chống dịch hữu hiệu hiện nay. Theo đó, 4 nhóm đối tượng trong sàng lọc: nhóm đủ điều kiện tiêm ngay; nhóm thận trọng, nhóm trì hoãn và nhóm chống chỉ định.
Tại buổi tập huấn, các điểm cầu còn được nghe hướng dẫn về xử trí cấp cứu sau tiêm chủng, hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng tại các cơ sở y tế và bài hướng dẫn về điều trị huyết khối…/.

Tác giả bài viết: Thu Phương - Khoa TT-GDSK- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Trang thông tin điện tử Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập44
  • Hôm nay2,463
  • Tháng hiện tại37,782
  • Tổng lượt truy cập25,112,374
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây