Hội nghị tập huấn và thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19)

Thứ bảy - 15/02/2020 10:33
Sáng ngày 14/2/2020, Sở Y tế tổ chức Hội nghị tập huấn và thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19).
Ông Lê Quang Hùng – Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại Hội nghị
Ông Lê Quang Hùng – Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại Hội nghị
       Tham dự có các thành viên Ban chỉ đạo và Tổ thư ký giúp việc của Ban chỉ đạo tỉnh Bình Định về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra; đại diện các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; đại diện Lãnh đạo Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định; đại diện Trưởng ban hoặc Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra của các huyện, thị xã, thành phố; đại diện lãnh đạo: Phòng Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Đài truyền thanh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Chữ Thập đỏ các huyện, thị xã, thành phố.
      Tại hội nghị, các đại biểu đã được Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng thông tin về tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (Covid-19) hiện nay trên thế giới, Việt Nam, trên địa bàn tỉnh; kiến thức phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nay gọi là Covid-19) với các phương án cụ thể ứng phó 4 cấp độ dịch. Kế hoạch 4 cấp độ ứng phó dịch do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh ký quyết định ban hành, nhằm phát hiện sớm trường hợp viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong. Cụ thể, 4 cấp độ ứng phó bao gồm: Cấp độ 1, có trường hợp bệnh xâm nhập; cấp độ 2, dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát; cấp độ 3, dịch bệnh lây lan trên 20 trường hợp mắc; cấp độ 4 dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng với trên 1.000 trường hợp mắc. Ngành Y tế tỉnh sẵn sàng các cơ sở khám chữa bệnh, khu điều trị cách ly, có thể đáp ứng trên 500 giường bệnh điều trị; chuẩn bị vật tư, hóa chất với cơ số dự phòng nhất định. Các phương án thành lập cơ sở cách ly y tế, áp dụng biện pháp và cưỡng chế cách ly y tế do Sở Y tế quản lý để phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã chuẩn bị sẵn sàng.
      Cũng tại hội nghị, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã hướng dẫn công tác truyền thông dịch Covid-19, nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông cho người dân biết cách chủ động phòng, chống dịch, nhưng không gây hoang mang trong xã hội; đồng thời phản bác lại những tin đồn không đúng sự thật. Các đại biểu còn được biết thêm về Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch; Quyết định về việc ban hành “Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú để phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona; Quyết định ban hành phương án thành lập cơ sở cách ly y tế, áp dụng biện pháp và cưỡng chế cách ly y tế để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona trên địa bàn tỉnh Bình Định; Phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona tại nơi làm việc.
       Theo Bộ Y tế thời gian ủ bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona là từ 2 – 14 ngày, với các biểu hiện lâm sàng ban đầu hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Một số trường hợp đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Hầu hết các bệnh nhân chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổivà thường tự hồi phục sau khoảng 1 tuần. Một số trường hợp có thể viêm phổi, viêm phổi nặng, diễn tiến tới suy hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái…), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm trùng, rối loạn thăng bằng kiềm – toan, suy chức năng các cơ quan dẫn đến tử vong. Thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu đến khi diễn biến bệnh nặng là từ 7-8 ngày. Tử vong xảy ra nhiều hơn ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo. Hiện chưa có thuốc đặc hiệu và văcxin phòng bệnh. Do đó, điều quan trọng lúc này là điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng người bệnh và điều trị biến chứng, trong quá trình điều trị cần tập trung điều trị cả bệnh do virus và các bệnh nền.
dscf6810 1
Ông Phan Văn Hớn – Trưởng khoa Truyền thông – GDSK, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật báo cáo tại Hội nghị
       Trong phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn trong chăm sóc bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus corona việc thông khí tại buồng bệnh cách ly rất quan trọng. Việc rửa tay thường xuyên, mang khẩu trang, làm thông thoáng nơi ở, tránh tụ tập đông người và dinh dưỡng đầy đủ được khuyến cáo trong phòng chống virus corona. Cách phòng bệnh chủ yếu là tránh tiếp xúc gần nguồn bệnh, khoản cách an toàn là 2m; ngăn ngừa nguồn lây thông qua việc vệ sinh bề mặt, thường xuyên rửa tay, ngăn giọt bắn bằng khẩu trang. Khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng được đựng vào thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có màu sắc và biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh phải được buộc kín… Che kín miệng, mũ khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp ra không khí và rửa sạch tay bằng xà phòng; duy trì các thói quen tốt cho sức khỏe như tập thể dục giữa ca làm việc, tích cực vận động cơ thể, ăn uống hợp vệ sinh, đủ chất, giữ ấm mũi họng, nâng cao thể trạng; hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở), trong trường hợp cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc; nếu thấy bản thân hoặc người cùng làm việc có các biểu hiện sốt, ho, khó thở… thì cần thông báo cho người sử dụng lao động, người làm công tác y tế tại cơ sở để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời. Duy trì vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên lau nền nhà và khử trùng các bề mặt các đồ vật tại nơi làm việc có thể có vi rút như tay nắm cửa, nút bấm thang máy, điện thoại dùng chung, bàn phím máy tính, mặt bàn… bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác.
 

Tác giả bài viết: Thu Phương - Khoa TT-GDSK- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Trang thông tin điện tử Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập75
  • Hôm nay2,463
  • Tháng hiện tại37,333
  • Tổng lượt truy cập25,111,925
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây