Khát vọng vươn lên

Thứ sáu - 28/09/2018 03:18
Cả nước ta nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng hiện nay có nhiều đối tượng là người khuyết tật rất cần đến trợ giúp của xã hội. Trong những năm qua, số lượng người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Bình Định khá cao do tai nạn giao thông, tai nạn lao động…
Lễ mit tinh kỉ niệm Ngày Quốc tế người khuyết tật
Lễ mit tinh kỉ niệm Ngày Quốc tế người khuyết tật
Hai dạng tật chiếm tỷ lệ cao nhất ở tỉnh ta là khuyết tật về hệ vận động và khuyết tật liên quan đến hệ thần kinh, trí tuệ. Số lượng người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn còn rất nhiều, đặc biệt là các xã miền núi, vùng khó khăn. Do vậy, họ gặp không ít khó khăn trong việc đi lại, giao tiếp, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đa số người khuyết tật không thể sống tự lập mà chủ yếu dựa vào gia đình, người thân, chỉ rất ít người tự tạo được thu nhập. Người khuyết tật chủ yếu thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, người khuyết tật không chỉ gặp khó khăn khi tham gia giao thông mà còn gặp khó khăn trong việc tìm việc làm, giao tiếp và việc khám chữa bệnh… Đây là thiệt thòi rất lớn đối với họ. Vì vậy, trách nhiệm của xã hội là chung tay giúp người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng, đảm bảo những quyền lợi cơ bản của người khuyết tật. 
 Được sự thống nhất và chỉ đạo của UBND tỉnh, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa kỳ (USAID) tài trợ thông qua Tổ chức Trung tâm Quốc tế (IC) đã phối hợp với Sở Y tế Bình Định triển khai Dự án “Hỗ trợ người khuyết tật vận động tại tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020”. Mục tiêu chính của Dự án  là hỗ trợ dụng cụ trợ giúp có chất lượng và phù hợp cho tất cả người khuyết tật vận động trên địa bàn tỉnh bao gồm dụng cụ trợ giúp sinh hoạt hàng ngày; dụng cụ giúp di chuyển như xe lăn, xe lắc, gậy, nạng, khung tập đi; dụng cụ thay thế như tay chân giả; dụng cụ chỉnh hình như các loại nẹp tay chân, cột sống. Bệnh nhân được khám sàng lọc và chỉ định cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp cho từng người khuyết tật, phù hợp với nhu cầu, điều kiện sống sinh hoạt của họ… tạo điều kiện cho người khuyết tật được thuận lợi trong sinh hoạt hàng ngày, học tập, mưu sinh và hội nhập xã hội. Bên cạnh đó, còn tăng cường năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế của tỉnh về chuyên ngành phục hồi chức năng.
Trong năm 2017, Dự án đã triển khai ở 3 huyện, thị xã, gồm 11 xã: Bình Tân, Bình Thuận, Tây An của huyện Tây Sơn; xã Phước Lộc, Phước An, thị trấn Diêu Trì, thị trấn Tuy Phước của huyện Tuy Phước; phường Bình Định, Nhơn Lộc, Nhơn Hưng và Nhơn An của thị xã An Nhơn. Dự án đã khám sàng lọc cho 612 trường hợp và cấp phát dụng cụ hỗ trợ vận động cho 86 người khuyết tật của huyện Tây Sơn, 85 người khuyết tật của huyện Tuy Phước và 231 người khuyết tật của thị xã An Nhơn. Đặc biệt là dự án đã thật sự là cơ hội để người khuyết tật vận động có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Điển hình như trường hợp Anh Chu Văn Phú năm nay 38 tuổi, ở thôn Cẩm Văn, phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn. Khi mới 1 tuổi anh Phú đã bị mắc chứng bại não và di chứng bại liệt nên co cứng cả 2 chân 2 tay, đi lại khó khăn, chỉ có thể dựa tường để di chuyển. Gia đình đã mua cho anh cây gậy và chiếc xe lắc để anh thuận tiện đi lại kiếm sống bằng nghề bán vé số. Nhưng chiếc xe này cũ kĩ, hay hư hỏng dọc đường đi nên Phú không đi xa được, chỉ có thể bán gần nhà nên nguồn  thu nhập rất ít. Cách đây không lâu anh được dự án cấp một chiếc xe lắc mới dễ sử dụng, xe có mái hiên che mưa, che nắng để anh có thể đi xa để bán vé số tăng thu nhập, không phụ thuộc gia đình và tự nuôi sống bản thân.
Trường hợp em Đỗ Thị Thanh Trang, 12 tuổi, ở thôn Ngọc Thạnh 1, xã Phước An huyện Tuy Phước bị tai nạn giao thông và mất chân phải vào năm em 7- 8 tuổi, trước đây em rất tự ti, mặc cảm cho số phận của mình. Dự án khám và đánh giá nhu cầu y tế - phục hồi chức năng và được chỉ định cung cấp một chân giả để em có thể thuận tiện đi lại, đến nay em dễ dàng trong học tập và vững tin hòa nhập với cộng đồng.
Trường hợp của Ông Trần Văn Hưng, thôn Dõng Hòa, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn. Năm 2013, tay chân của ông đột ngột bị liệt, khi đi khám được bác sĩ chẩn đoán viêm dây thần kinh tứ chi, dù được chữa trị tích cực nhiều nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm không có dấu hiệu hồi phục và cuộc sống của ông gắn với chiếc giường gỗ cũ kỹ đã hơn 4 năm qua.  Vừa qua, ông là 1 trong 8 người khuyết tật được hỗ trợ dụng cụ vận động sau đợt khám sàng lọc tại xã, dự án cấp cho 01 chiếc giường và 01 ghế bô vệ sinh để giúp ông nằm được thoải mái hơn và vợ ông đỡ vất vả hơn trong quá trình chăm sóc ông hàng ngày…
Dự án Hỗ trợ người khuyết tật vận động đang triển khai có ý nghĩa tích cực về mặt xã hội, đem lại lợi ích thiết thực cho người khuyết tật, tạo cơ hội cho người khuyết tật vận động trên địa bàn tỉnh có thể cải thiện chất lượng sống. Ngoài ra, dự án còn giúp cho ngành Y tế Bình Định trong công tác tăng cường năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế nhất là về lĩnh vực phục hồi chức năng trên địa bàn tỉnh.
Chung tay chăm lo giúp đỡ người khuyết tật là thể hiện trách nhiệm, lòng nhân ái của cộng đồng và toàn xã hội. Các hoạt động trợ giúp, chăm sóc và chia sẻ về vật chất, tinh thần mang tính nhân văn sẽ giúp người khuyết tật nâng cao chất lượng cuộc sống, có thêm động lực vươn lên hòa nhập cộng đồng./.

 
Một số hình ảnh hoạt động
   
HINH BAI 1 3
 
HINH BAI 1 4

Tác giả bài viết: Thùy Vy

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Trang thông tin điện tử Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập68
  • Hôm nay1,801
  • Tháng hiện tại36,036
  • Tổng lượt truy cập25,110,628
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây