Lễ phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch Covid-19 trên toàn quốc.
Chủ nhật - 11/07/2021 06:40
Sáng ngày 10/7/2021, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch Covid-19 trên toàn quốc. Tham dự tại điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban ngành là thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19.
Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chiến dịch này nhằm khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước cùng toàn thể nhân dân trong việc kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết; đưa đất nước trở lại bình thường, phát triển theo mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng với mục tiêu khẳng định thông điệp, quyết tâm của Đảng, nhà nước cùng toàn thể nhân dân đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết và đưa đất nước trở lại bình thường, phát triển.
Chia sẻ tại buổi lễ, Thủ tướng bày tỏ: Hôm nay chúng ta có mặt ở đây với cảm xúc rất đặc biệt. Đặc biệt của tâm tư và suy nghĩ hướng về thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam nơi nhân dân đang phải đối mặt với sự phức tạp hơn của dịch bệnh, nơi cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào bị ảnh hưởng do các biện pháp phong tỏa, giãn cách…Nơi chúng ta cần thể hiện tấm lòng, sự đoàn kết và sự chia sẻ hơn bao giờ hết. Nơi chúng ta cảm nhận được sự bao dung, nhân ái, cảm thông và không ai bị bỏ lại phía sau trong dịch bệnh, không ai đứng ngoài việc tiếp cận vắc xin.
Theo Thủ tướng, không chỉ đất nước chúng ta, mà cả thế giới không thể lường trước diễn biến của dịch bệnh đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể Delta với tốc độ lây nhiễm nhanh, mạnh và gia tăng độ phức tạp, khó lường, khó dự báo hơn. Vắc xin được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống đại dịch COVID-19. Ngay từ khi đại dịch bắt đầu, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan, tổ chức liên quan đã bám sát tình hình dịch bệnh, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời với các giải pháp phù hợp và linh hoạt, sáng tạo để kiểm soát dịch bệnh để phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Chính vì vậy, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới vừa chống dịch hiệu quả vừa có tăng trưởng kinh tế dương kể từ khi có đại dịch đến nay. Với tầm nhìn xa và tìm giải pháp căn cơ để đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh, Đảng và Nhà nước đã quyết tâm để thực hiện chiến lược vắc xin. Chiến lược vắc xin tập trung vào các nội dung chính bao gồm nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu để sản xuất và phát triển trong nước nhằm chủ động và tiêm miễn phí vắc xin cho nhân dân.
Trong thời gian qua, nguồn cung vắc xin khan hiếm, và nước ta thực hiện các biện pháp chống dịch hiệu quả nên không thuộc quốc gia được ưu tiên cung cấp vắc xin. Với sự nỗ lực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Bộ ngành liên quan trong ngoại giao vắc xin đặc biệt việc nhập khẩu nhanh nhất, nhiều nhất có thể nên chúng ta đã có cam kết, viện trợ, ký hợp đồng cung ứng trên 100 triệu liều trong năm 2021 và việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ và có kết quả bước đầu tích cực. Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện đã thực hiện tiêm chủng được khoảng 4 triệu liều vắc xin. Cũng theo Thủ tướng, việc sử dụng vắc xin trong thời gian qua đã nhận được sự đồng lòng, chia sẻ của nhân dân. Những liều vắc xin đầu tiên về Việt Nam được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Vắc xin được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả. Tôi đã cảm nhận được tình người sâu sắc bằng sự cảm thông của đồng bào dành cho nhau. Nhiều người chia sẻ, mong muốn trong lúc này vắc xin chưa có nhiều hãy dành cho đồng bào ở những nơi dịch bệnh đang diễn ra phức tạp để tiêm trước mà không so bì tính toán, thể hiện tình cảm đồng bào, tương thân tương ái của dân tộc ta.
Cũng tại Lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 triển khai Chiến dịch, nhiều bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ để thực hiện Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử (mục tiêu tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho tất cả người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên), với phương châm : “Tiêm đến đâu an toàn đến đó, không bỏ phí bất cứ một liều vắc xin nào, không lãng phí bất cứ một đồng nào của Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 ở Việt Nam”. Chiến dịch này có nhiều điểm mới so với các chiến dịch tiêm chủng trước đây như: Thiết lập hệ thống bảo quản, vận chuyển vắc xin dưới sự điều hành của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, vắc xin được đảm bảo chất lượng và vận chuyển nhanh nhất từ các kho trung tâm; giám sát toàn bộ quy trình bảo quản, vận chuyển và tổ chức tiêm; quản lý điều hành trực tuyến quá trình tiêm chủng... Chiến dịch huy động tổng lực hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước từ Trung ương đến địa phương. Bộ Y tế và Ban chỉ đạo Chiến dịch mong muốn nhận được hưởng ứng tích cực và hợp tác kịp thời, hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền, bộ, ngành, đoàn thể chính trị xã hội, cùng toàn thể nhân dân.
Từ rất nhiều nỗ lực của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành liên quan trong ngoại giao vắc xin, đặc biệt nhập khẩu nhanh nhất, nhiều nhất có thể nên Việt Nam đã có cam kết được viện trợ, ký hợp đồng cung ứng hơn 100 triệu liều vắc xin trong năm 2021. Việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc xin ở trong nước đang có những bước tiến rất tích cực... Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Vắc xin được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt và hiệu quả. Phải tổ chức điều phối tiêm thật tốt, trong đó Bộ Y tế là nòng cốt phối hợp với các bộ, ngành, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội, địa phương liên quan... Đặc biệt, thời gian tới khi lượng vắc xin về nhiều cần xây dựng kịch bản bảo quản, vận chuyển, phân phối, triển khai tiêm chủng đảm bảo nhanh chóng và an toàn, hiệu quả nhất cho nhân dân. Để thực hiện được việc đó trong thời gian vừa qua chúng ta đã tập trung tổng hợp nhiều biện pháp như tăng cường đàm phán, ngoại giao, huy động tài chính. Đặc biệt, sự ra đời của Quỹ Vắc xin đã nhận được sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân ở trong và ngoài nước và doanh nghiệp thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc chống đại dịch. Tính đến nay Quỹ Vắc xin đã nhận được hơn 8000 tỷ đồng và đang sử dụng để mua vắc xin phục vụ nhân dân. Dự kiến, thực hiện tiêm cho khoảng 75 triệu người dân Việt Nam với trên 150 triệu mũi tiêm vào nửa cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Tại buổi lễ, Thủ tướng yêu cầu để thực hiện Chiến dịch tiêm chủng đạt hiệu quả, chúng ta phải tổ chức điều phối tiêm thật tốt. Trong đó, Bộ Y tế là nòng cốt phối hợp với các Bộ ngành, các địa phương có liên quan đặc biệt là lực lượng công an, quân đội, chính quyền địa phương để tổ chức tiêm khoa học, đúng quy trình. Đặc biệt trong thời gian tới, lượng vắc xin về nhiều, chúng ta cần xây dựng kịch bản bảo quản, vận chuyển, phân phối, triển khai tiêm chủng đảm bảo nhanh, kịp thời, an toàn và hiệu quả.
Nhân dịp này, Thủ tướng kêu gọi sự đồng lòng, đoàn kết, ủng hộ và trách nhiệm cộng đồng của toàn thể nhân dân để chúng ta chiến thắng dịch bệnh. Đồng thời dịch bệnh diễn biến phức tạp nên chúng ta không chủ quan sau tiêm mà vẫn cần thực hiện nghiêm túc các chỉ dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở các cấp, các ngành. Mỗi chúng ta hãy để thông điệp “ mình vì mọi người và mọi người vì mình” và “thương người như thể thương thân” được thắp sáng và lan tỏa trong cộng đồng, trong toàn thể nhân dân. Đảng, Nhà nước và nhân dân hiểu và đánh giá cao sự hy sinh, vất vả của lực lượng tuyến đầu như y tế, quan đội, công an... đã vì cộng đồng trong thời gian vừa qua đặc biệt là lực lượng cán bộ y tế cả nước.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Thủ tướng gửi lời cảm ơn đến tất cả các đồng chí và lực lượng tuyến đầu chống dịch và mong các đồng chí tiếp tục giữ vững phẩm chất trách nhiệm với cộng đồng. Đồng thời, cảm ơn sự đồng lòng hưởng ứng vào cuộc của nhân dân trong phòng chống dịch cũng như triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin trên cả nước. Dẫu phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng càng khó khăn gian khổ chúng ta lại càng phải đoàn kết thống nhất phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, cùng nhau chia sẻ, cùng nhau quyết tâm, trên dưới một lòng để thực hiện thành công Chiến dịch tiêm chủng vắc xin. Chúng ta sẽ có niềm tin đẩy lùi dịch bệnh, mang lại bình an, sức khỏe cho nhân dân và phát triển đất nước. Niềm tin ấy sẽ do hành động của mỗi chúng ta, niềm tin ấy sẽ là của mỗi chúng ta và niềm tin ấy là của đất nước chúng ta, của truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc ta…
Tác giả bài viết: Khoa Truyền thông - GDSK - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật