Triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2021 - 2022

Thứ sáu - 19/11/2021 23:54
Tiếp tục thực hiện chiến lược tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, tính đến ngày 18/11/2021 tỉnh Bình Định đã tiếp nhận 1.552.816 liều vắc xin và tổ chức tiêm được 1.132.220 liều vắc xin. Đã có 806.556 người được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin (480.892 người được tiêm 1 mũi vắc xin; 325.664 người đã được tiêm chủng đủ 2 mũi vắc xin).
Tiêm vắc xin COVID-19 giúp phòng bệnh cho trẻ (Ảnh minh họa)
Tiêm vắc xin COVID-19 giúp phòng bệnh cho trẻ (Ảnh minh họa)
Triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi; đồng thời để huy động nguồn lực tổ chức tốt việc tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi; ngày 18/11/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4587/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2021 - 2022.
Mục tiêu của đợt này là tăng diện bao phủ vắc xin phòng CQVID-19 trong cộng đồng để chủ động phòng chống dịch COVID-19, bảo đảm có trên 90% trẻ từ 12 tuổi đến 17 tuổi trên địa bàn tỉnh được tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Căn cứ vào tình hình dịch COVID-19, lượng vắc xin được Bộ Y tế cấp để triển khai đồng loạt toàn tỉnh, ưu tiên các địa bàn có nguy cơ cao. Tổ chức theo hình thức tiêm chủng chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm chủng lưu động và trường học. Việc tổ chức tiêm chủng thực hiện theo đúng quy định hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêm chủng, đảm bảo quy định về phòng chống COVID-19 tại điểm tiêm chủng. Triển khai trước cho học sinh Phổ thông trung học (PTTH), lần lượt theo khối lớp từ khối 12 đến khối 11 và khối 10; sau đó sẽ triển khai tiếp đến học sinh Trung học cơ sở (THCS) từ khối 9 đến khối 8 và khối 7. Thời gian từ tháng 11/2021. Đối tượng là trẻ em trong độ tuổi từ 12 tuổi đến 17 tuổi trên địa bàn tỉnh. Dự kiến số lượng là 144.880 đối tượng; trong đó: 135.521 đối trường học và 9.359 đối tượng tại cộng đồng. Phạm vi tại 159 xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đợt này vắc xin phòng COVID-19 sử dụng là vắc xin Comirnaty (tên khác Pfizer BioNTech Covid-19 Vaccine) do hãng Pfizer - BioNTech (Mỹ - Đức) sản xuất. Đây là loại vắc xin ARN thông tin (mRNA) chứa mã di truyền đoạn protein gai của vi rút. Vắc xin giúp các tế bào cơ thể tạo ra một loại protein tương tự như gai của vi rút. Sau đó, protein này sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể tạo kháng thể chống lại vi rút SARS-CoV-2 là tác nhân gây bệnh COVID-19. Vắc xin này không làm thay đổi hoặc tương tác với DNA của người theo bất kỳ cách nào và không thể gây bệnh COVID-19 cho người được tiêm chủng. Vắc xin Comirnaty của Pfizer - BioNTech được Mỹ và Tổ chức Y tế thế giới thông qua chấp thuận sử dụng vắc xin trong trường hợp khẩn cấp vào tháng 12/2020 và được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép sử dụng đầy đủ vào ngày 23/8/2021. Tại Việt Nam vắc xin Comirnaty của Pfizer - BioNTech đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Quyết định số 2908/QĐ-BYT ngày 12/6/2021 và Quyết định số 4035/QĐ-BYT ngày 21/8/2021. Lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa mũi 2 và mũi 1 từ 3 đến 4 tuần (21 - 28 ngày).
Được biết, các hoạt động chuẩn bị trước khi triển khai chiến dịch như điều tra, lập danh sách toàn bộ trẻ từ 12 - 17 tuổi. Đối với học sinh: Sở GDĐT chỉ đạo tất cả các trường THPT trên địa bàn tỉnh lập danh sách học sinh đang học từ lớp 10 đến lớp 12 theo từng lớp và theo độ tuổi cho UBND các huyện, thị xã, thành phố để tổng hợp. Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập danh sách trẻ trong độ tuổi từ 12 - 17 tuổi tại các Trại giáo dưỡng, Trung tâm bảo trợ xã hội (nếu có) gửi về UBND các huyện, thị xã, thành phố để tổng hợp. Phòng GDĐT triển khai cho các trường THCS lập danh sách học sinh đang học từ lớp 6 đến lớp 9 theo từng lớp và theo độ tuổi, gửi về UBND các huyện, thị xã, thành phố để tổng hợp. Đối với trẻ không đi học: Cán bộ trạm y tế phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn lập danh sách theo thôn xóm/khu vực (bao gồm trẻ vãng lai, trẻ lang thang cơ nhỡ trong độ tuổi từ 12 - 17 tuổi không có hộ khẩu thường trú nhưng có mặt tại địa phương trong thời gian tiêm chủng). Rà soát, đối chiếu lại số liệu điều tra với các nguồn quản lý đối tượng có sẵn tại Trạm Y tế, công an xã/phường... cập nhập thông tin đối tượng chuyển đến, chuyển đi vào danh sách khi có sự thay đổi.
Bên cạnh đó, sử dụng nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 theo Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế để đăng ký, quản lý đối tượng và lập kế hoạch tiêm chủng. Trên cơ sở danh sách đối tượng đã được điều tra, thông báo cho cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em trước khi chiến dịch bắt đầu từ 3 - 5 ngày bao gồm đầy đủ thông tin ngày, giờ, địa điểm tiêm vắc xin. Phân chia khoảng thời gian cho trẻ tới điểm tiêm theo vùng địa lý (lớp, thôn, tổ dân phố...) để số trẻ không tập trung quá nhiều vào một thời điểm nhất định. Hướng dẫn cha mẹ, người giám hộ kiểm tra nội dung và ký vào Phiếu đồng ý tiêm chủng và chủ động thông báo cho cán bộ y tế tình trạng sức khỏe của trẻ như: đang mắc bệnh, sốt, tiền sử dị ứng, dị tật bẩm sinh, đặc biệt có phản ứng mạnh với vắc xin phòng COVID-19 ở lần tiêm chủng trước như phản ứng phản vệ, sốt cao,...
Cùng với đó, ngành Y tế tổ chức tập huấn trực tiếp hoặc trực tuyến cho cán bộ y tế và các đối tượng liên quan về tổ chức tiêm chủng, khám sàng lọc, giám sát phản ứng sau tiêm và xử trí phản ứng sau tiêm chủng. Trước khi tổ chức chiến dịch tiêm chủng, thực hiện tuyên truyền, phổ biến cho cha mẹ, người giám hộ và các đối tượng liên quan về ý nghĩa, sự cần thiết của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em, tính an toàn của vắc xin, các phản ứng sau tiêm có thể gặp và cách xử trí, địa điểm và thời gian tổ chức tiêm vắc xin tại địa phương thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đài truyền thanh cơ sở, mạng xã hội, trường học, cơ sở y tế... Huy động mọi nguồn lực xã hội, nhất là cha, mẹ hoặc người giám hộ, người thân trong gia đình của trẻ tham gia vào quá trình triển khai chiến dịch tiêm chủng; phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong việc điều tra, lập danh sách đối tượng tiêm chủng, đưa trẻ đi tiêm chủng, theo dõi, giám sát sau khi tiêm. Tại những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng dân tộc ít người, lực lượng Quân y, Bộ đội biên phòng tham gia tuyên truyền, vận động người dân tại khu vực đóng quân, để người dân tin tưởng, tích cực đưa con em đi tiêm chủng. Đồng thời, thực hiện các hoạt động giám sát trước chiến dịch nhằm đảm bảo tiến độ triển khai. Bố trí các điểm tiêm chủng tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng địa phương; có thể tổ chức tiêm tại những địa điểm như trẻ đang đi học: tổ chức tiêm tại điểm tiêm chủng lưu động tại trường học hoặc điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động. Đối với trẻ không đi học, tổ chức tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động. Quy trình tổ chức buổi tiêm chủng thực hiện theo đúng quy định.
Để Kế hoạch này đảm bảo đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm công tác tiêm chủng cho trẻ an toàn, kịp thời và hiệu quả theo quy định./.

 

Tác giả bài viết: Thùy Vy – Thu Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Trang thông tin điện tử Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập62
  • Hôm nay2,463
  • Tháng hiện tại37,059
  • Tổng lượt truy cập25,111,651
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây