Trung tâm Y tế huyện Hoài Ân: Nỗ lực phòng chống dịch bệnh trong chăm sóc sức khỏe nhân dân

Thứ tư - 05/05/2021 04:37
Những năm gần đây, Trung tâm Y tế huyện Hoài Ân cũng như chính quyền địa phương luôn quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực góp phần làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Trung tâm Y tế huyện Hoài Ân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 (Ảnh: Thu Phương)
Trung tâm Y tế huyện Hoài Ân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 (Ảnh: Thu Phương)
       Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn huyện  đã từng bước được quan tâm, hệ thống tổ chức mạng lưới y tế không ngừng được củng cố, kiện toàn. Nhận thức và sự tham gia của người dân trong công tác chăm sóc sức khỏe đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chính vì vậy, năm 2020, có 75.181 lượt khám bệnh; 6.759 lượt bệnh nhân điều trị nội trú; công suất sử dụng giường bệnh kế hoạch nội trú đạt 86,5%; 491 lượt điều trị nội trú bằng y học cổ truyền, trong đó 15/15 xã trạm y tế xã, thị trấn triển khai khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
        Bên cạnh đó, trong năm qua, công tác khám chữa bệnh vẫn đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Trung tâm đã triển khai thực hiện hệ thống phân luồng, giám sát, sàng lọc người bệnh và người nhà đến khám bệnh, thực hiện mang khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn chứa cồn khi vào Bệnh viện và khai báo y tế tất cả các đối tượng nghi ngờ. Khoa Khám bệnh triển khai Phòng khám bệnh đường hô hấp riêng biệt. Khu vực ngồi chờ thực hiện theo quy định và các biện pháp khác theo tiêu chí Bệnh viện an toàn trong phòng chống dịch Covid-19. Không những thế, phòng bệnh thông thoáng, sạch sẽ, thực hiện tốt công tác chăm sóc người bệnh trong bệnh viện. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các khoa, phòng thực hiện đúng quy chế chuyên môn do Bộ Y tế ban hành. Đơn vị đã thành lập đoàn tự kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện hàng năm đạt 209 điểm, kết quả khảo sát 50 phiếu người bệnh ngoại trú mức hài lòng 74%; khảo sát 400 phiếu người bệnh nội trú mức hài lòng 79%.
       Bên cạnh đó, Trung tâm đã từng bước thực hiện được công tác giảm thiểu rác thải nhựa trong toàn cơ quan. Vận động bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hạn chế dùng các vật dụng bằng nhựa sử dụng 1 lần. Đã dùng bì thân thiện để cấp thuốc nội trú và ngoại trú cho bệnh nhân. Chỉ đạo Đoàn thanh niên dùng rác thải nhựa chai, lọ, can tạo thành các bình hoa trang trí cho khoa, phòng. Tăng cường thực hiện vệ sinh tay, đảm bảo luôn sẵn có dung dịch vệ sinh tay, nước sát khuẩn, dung dịch chứa cồn tại các buồng bệnh, lối đi chung…
Cùng với đó, Trung tâm triển khai đồng bộ công tác phòng chống dịch tại bệnh viện cũng như 15 trạm y tế xã, thị trấn về phân luồng, khám sàng lọc bệnh nhân hô hấp, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch và công tác khám chữa bệnh. Đến nay trên địa bàn huyện chưa phát hiện ca mắc Covid-19.
       Song song với công tác khám chữa bệnh, Trung tâm cũng quan tâm hệ dự phòng. Trong năm 2020, có 01 bệnh nhân mắc sốt rét tại xã Ân Sơn, giảm 03 ca so với cùng kỳ năm 2019. Sốt xuất huyết ghi nhận 344 ca và đã xử lý 11 ổ dịch tại các xã: Ân Mỹ, Ân Hảo Đông, Ân Thạnh, thị trấn Tăng Bạt Hổ, Ân Tường Tây. Hoạt động phòng chống bệnh tim mạch, phòng chống bệnh ung thư được duy trì. Đối với công tác tiêm chủng, đã tiêm đủ 7 loại vắc xin cho trẻ < 1 tuổi đạt 99,30%, chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin BH-UV giảm liều đạt 98,86%; chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Bại liệt IPV đạt 99,64%; chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin và Sởi Rubella đạt 98,27%; tỷ lệ suy dinh dưỡng đạt 8,8% giảm 0,78% so với cùng kỳ năm 2019; ty lệ thấp còi đạt 12,55% giảm 0,52% so với cùng kỳ năm 2019; tổ chức thực hành dinh dưỡng cho 959 bà mẹ có con dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng, béo phì và phụ nữ mang thai trên toàn huyện. Đồng thời, kiểm tra 154 cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, sản xuất chế biến và không có cơ sở bị xử lý; triển khai xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ mang thai, các đối tượng nguy cơ nhiễm HIV ở cộng đồng… Tất cả trạm y tế các xã, thị trấn đều cơ bản thực hiện nhiệm vụ theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020, thực hiện đầy đủ các chương trình mục tiêu quốc gia, trong năm đã khám 15.240 lượt người bệnh, năm 2020 các xã đã tiến hành thực hiện Chương trình Quản lý sức khỏe toàn dân được triển khai tại 15/15 trạm y tế xã, thị trấn trên phần mềm theo quy định.
        Đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh cũng được thực hiện, Trung tâm tiếp tục sử dụng phần mềm Viettel.His; tại tuyến xã sử dụng phần mềm khám chữa bệnh His.lite; giám sát, kiểm tra hoạt động phần mềm Viettel.His, mạng nội bộ từ bệnh viện đến các trạm y tế nhằm điều chỉnh các sai sót kịp thời; ứng dụng công nghệ thông tin đã giảm một số thủ tục ghi chép sổ sách như vào viện, ra viện, sổ lưu trữ, sổ chuyển viện, giảm thủ tục hành chính, tăng thời gian chăm sóc trực tiếp cho điều dưỡng các khoa lâm sàng
Ông  Phan Văn Thạnh – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hoài Ân cho biết: “Trung tâm luôn quan tâm chỉ đạo về nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, duy trì thực hiện 12 điều y đức, quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, vận động viên chức lao động trong Trung tâm cùng người bệnh, người nhà người bệnh và xã hội thực hiện tốt văn hóa giao tiếp, ứng xử trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Phát động phong trào thi đua thực hiện tốt quy tắc ứng xử trong các cơ sở khám chữa bệnh, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Phong trào thi đua “xây dựng cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp, giảm thiểu chất thải nhựa góp phần bảo vệ môi trường làm việc thêm trong lành, cảnh quan sạch đẹp. Không những thế, Trung tâm đã thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, đã có nhiều giải pháp triển khai trong đơn vị, giảm phiền hà, tạo mọi điều kiện cho người bệnh được khám chữa bệnh một cách tốt nhất”.
        Trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, đi đôi với giảm tải bệnh viện, cải tiến các quy trình, dây chuyền trong khám chữa bệnh tại đơn vị đảm bảo tính khoa học, chính xác và thuận tiện cho người bệnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh…

Tác giả bài viết: Thu Phương - Khoa TT-GDSK- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Trang thông tin điện tử Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập59
  • Thành viên online1
  • Khách viếng thăm58
  • Hôm nay2,463
  • Tháng hiện tại37,955
  • Tổng lượt truy cập25,112,547
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây