Người già cần lưu ý bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng

Thứ hai - 15/06/2020 22:00
Người già thường rất nhạy cảm khi thời tiết thay đổi, sức đề kháng giảm, nhiều cơ quan hoạt động không còn ổn định, đặc biệt là với khí trời nóng bức như hiện nay. Vì vậy, đây là thời điểm những người lớn tuổi cần chú ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện để tránh mắc phải những chứng bệnh thường gặp trong mùa nắng nóng. Một trong những nguyên nhân chính được xác định là do thời tiết nắng nóng, thay đổi đột ngột. Bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh tim mạch và bệnh về tiêu hóa xuất hiện nhiều hơn.
Người cao tuổi cần khám sức khỏe định kỳ để phòng bệnh mùa nắng nóng. (Ảnh Thùy Vy)
Người cao tuổi cần khám sức khỏe định kỳ để phòng bệnh mùa nắng nóng. (Ảnh Thùy Vy)
      Theo thống kê của Khoa Lão (BVĐK tỉnh), tính đến tháng 5/2020 tại khoa có 42 bệnh nhân điều trị nội trú thì 1/3 trong số đó là mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Lúc cao điểm, ở khoa có gần 100 bệnh nhân điều trị nội trú. Bệnh nhân chủ yếu của khoa là người cao tuổi mắc các bệnh mãn tính như: đái tháo đường, huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…Người cao tuổi sức đề kháng suy giảm, sự thích nghi với thay đổi của môi trường, thời tiết cũng diễn ra chậm nên đây là đối tượng dễ bị thời tiết nắng nóng tác động nhiều nhất.
      Bác sĩ Trình Vĩnh Tiến, Trưởng khoa Lão khoa, BVĐK tỉnh cho biết, nhiều người khi thấy trời nóng hay mở quạt mạnh hoặc bật máy lạnh để nhiệt độ thấp. Điều đó làm khô niêm mạc vùng mũi họng, làm khô chất nhầy bảo vệ niêm mạc ở đường hô hấp nói chung, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi trùng xâm nhập vào đường hô hấp và gây bệnh. Sự thay đổi đột ngột khi ở trong phòng lạnh ra ngoài nắng nóng rất dễ gây nên tình trạng sốc nhiệt (choáng) ở người già, đồng thời, dễ gây viêm mũi họng, viêm xoang.
      Bên cạnh đó, nhiều người còn có thói quen uống nước đá, ăn đồ lạnh hoặc tắm nước lạnh để giải nhiệt, nhưng điều này rất nguy hiểm đối với người cao tuổi, vì dễ gây ra các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên. Những bệnh nhân có bệnh lý mạn tính về đường hô hấp như: viêm phế quản mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… khi thay đổi nhiệt độ đột ngột, tắm nước lạnh khi cơ thể đang nóng và ra nhiều mồ hôi sẽ gây ra đợt kích phát của bệnh. Điều này rất nguy hiểm đối với các bệnh nhân ở xa cơ sở y tế hoặc không có người nhà bên cạnh.
      Bác sĩ Tiến cho biết thêm: “Thời tiết nắng nóng thường đổ mồ hôi dẫn đến mất nước, từ đó máu sẽ đặc hơn, trong khi người già thường ít uống nước do giảm thụ thể khát ở niêm mạc miệng. Đồng thời, nắng nóng làm các mạch máu trên cơ thể giãn ra, tim phải làm việc gắng sức, điều này rất nguy hiểm đối với các bệnh nhân cao tuổi mắc các bệnh lý về động mạch vành, tăng huyết áp, dễ gây đột quỵ tim và nguy cơ tử vong cao. Do cơ chế tự điều chỉnh ở người già khó khăn khi bị mất nước, vào thời tiết nắng nóng họ thường xuất hiện trạng thái mệt mỏi, chân tay run rẩy, dễ cáu gắt, những trường hợp không bù đủ lượng dịch do cơ thể mất nước dễ gây trụy tim mạch (hay gặp ở người huyết áp thấp)”.
       Ngoài bệnh về hô hấp và tim mạch, các bệnh lý về tiêu hóa và bệnh về da cũng thường xuất hiện đối với những người lớn tuổi trong mùa nắng nóng. Bởi người già có bệnh mạn tính sẵn về bệnh tiêu hóa thường khả năng miễn dịch của cơ thể kém. Trong khi đó, nhiệt độ cao và không khí nóng ẩm làm cho đồ ăn nhanh hư, do vi khuẩn phát triển nhanh. Những người già, nhất là ở vùng nông thôn kinh tế khó khăn, khi sử dụng thức ăn ít khi kiểm tra nên dễ bị ngộ độc, tiêu chảy cấp gây mất nước trầm trọng, có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
      Người lớn tuổi ở khu vực nông thôn cũng thường mắc các bệnh lý về da trong thời tiết oi bức, khi điều kiện vệ sinh kém. Nắng nóng khiến tuyến mồ hôi và tuyến nhầy tăng cường hoạt động để giải nhiệt nhằm điều hòa nhiệt độ cho cơ thể. Điều đó sẽ gây ẩm ướt một số vùng của cơ thể như: lưng, trán, kẽ tay, kẽ chân, bẹn… Khi vệ sinh không tốt làm cho ứ đọng trong ống bài tiết, cộng với bít các lỗ chân lông, từ đó vi khuẩn và nấm phát triển gây viêm da và nấm da. Trong những trường hợp bội nhiễm nặng, cơ thể sẽ xuất hiện sốt cao.      
       Dó đó, để phòng bệnh xảy ra trong mùa nắng nóng, bác sĩ Tiến cho lời khuyên đối với người cao tuổi là nên hạn chế ra ngoài khi trời nắng nóng, khi ra ngoài thì đội nón rộng vành; thường xuyên tắm bằng nước ấm, hạn chế tắm nước lạnh, nhất là vào buổi trưa, khi cơ thể đang nóng và ra nhiều mồ hôi; bổ sung nước và điện giải đầy đủ theo nhu cầu của từng người, nhưng nên nhiều hơn 2 lít nước/ngày, chia làm nhiều lần; ăn nhiều rau xanh, uống nước hoa quả và ngũ cốc; tập thể dục nhẹ nhàng và đều đặn vào lúc trời mát (buổi sáng hoặc chiều), phù hợp với thể trạng từng người; bảo quản đồ ăn kỹ và phải kiểm tra trước khi ăn; giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đặc biệt là tay, chân; sinh hoạt hàng ngày nên mở quạt vừa phải; máy lạnh nên để ở nhiệt độ ban ngày là 25-26 độ C; khi ngủ là 27-28 độ C; tránh gây tổn thương da như xây xát da và các vết nhiễm trùng. thường xuyên vệ sinh cơ thể thật tốt…

Tác giả bài viết: Thùy Vy (Khoa TT-GDSK) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Trang thông tin điện tử Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập67
  • Hôm nay1,803
  • Tháng hiện tại36,038
  • Tổng lượt truy cập25,110,630
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây