Tăng cường hoạt động phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động

Thứ sáu - 22/05/2020 04:56
Bệnh nghề nghiệp là những bệnh lý mang đặc trưng của nghề nghiệp hoặc liên quan tới nghề nghiệp, phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đến người lao động. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các bệnh nghề nghiệp như ảnh hưởng bởi các yếu tố trong quá trình sản xuất (vật lý, hoá học, sinh học) tác động trực tiếp đến người lao động hay người lao động làm việc quá lâu, chế độ và cường độ lao động căng thẳng quá mức hoặc do điều kiện vệ sinh và an toàn xung quanh người lao động không đảm bảo…
Môi trường làm việc luôn đảm bảo các quy định về tiếng ồn, bụi, vi sinh vật, ánh sáng… để đảm bảo sức khỏe cho người lao động (Ảnh: Thu Phương)
Môi trường làm việc luôn đảm bảo các quy định về tiếng ồn, bụi, vi sinh vật, ánh sáng… để đảm bảo sức khỏe cho người lao động (Ảnh: Thu Phương)
      Theo phân cấp quản lý của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Định quản lý công tác vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp, Trung tâm y tế huyện/thị xã/thành phố quản lý công tác vệ sinh lao động các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cho đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã quản lý được 74 doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp có nhiều yếu tố phát sinh bệnh nghề nghiệp, các Trung tâm y tế huyện/thị xã/thành phố quản lý 335 doanh nghiệp vừa (50-200 người lao động), 148 doanh nghiệp nhỏ ( <50 người lao động). Trong đó, có 82 doanh nghiệp được lập hồ sơ vệ sinh lao động theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP, có 35 cơ sở lao động có yếu tố nguy hiểm có hại.
       Trong năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật  đã quan trắc môi trường lao động cho 77 cơ sở trong và ngoài ngành Y tế với 1.404 mẫu đo vi khí hậu, 1.392 mẫu đo ánh sáng, 1.389 mẫu đo cường độ tiếng ồn, 687 mẫu đo hơi khí độc, 76 mẫu đo phóng xạ, 88 mẫu đo bức xạ nhiệt, 8 mẫu đo rung, 70 mẫu đo điện từ trường, kết quả có 294 mẫu không đạt tiêu chuẩn vệ sinh lao động cho phép. Đối với bụi, đã tiến hành quan trắc, đo 1.281 mẫu, trong đó có 25 mẫu không đạt tiêu chuẩn vệ sinh lao động cho phép.
      ThS. Trình Công Tuấn – Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Người lao động tiếp xúc với bụi silic tại các cơ sở khai thác, chế biến đá Granite phục vụ cho ngành Xây dựng có nguy cơ rất cao mắc bệnh bụi phổi silic. Đây là một trong tổng số 34 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm xã hội chi trả. Sắp tới Phòng khám, điều trị Bệnh nghề nghiệp sẽ được Sở Y tế cấp phép hoạt động, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật sẽ lập kế hoạch tập trung khám cho đối tượng này, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động mắc bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm xã hội chi trả. Riêng đối với ngành Y tế, các nhân viên làm việc tại các phòng khám tiếp xúc với bệnh nhân Lao, viêm gan vi rút, HIV/AIDS... rất dễ mắc bệnh nghề nghiệp thuộc danh mục bảo hiểm xã hội cũng chưa được quan tâm khám phát hiện bệnh nghề nghiệp. Ngoài ra, hiện nay ngành Y tế đang sử dụng các thiết bị phát sinh ra phóng xạ để chuẩn đoán và điều trị như nhân viên chụp X-Quang, nhân viên xạ trị cho bệnh nhân ung thư có nguy cơ rất cao mắc bệnh nhiễm xạ nghề nghiệp. Các cơ sở lao động có tiếng ồn vượt tiêu chuẩn vệ sinh lao động cho phép sẽ gây ra bệnh điếc nghề nghiệp, đây là bệnh tiến triển không hồi phục, vì vậy khám phát hiện sớm và cách ly môi trường lao động là giải pháp hữu hiện nhất. Bên cạnh đó, Bệnh nghề nghiệp xuất hiện do môi trường lao động, làm việc không đảm bảo các quy định về tiếng ồn, bụi, vi sinh vật, phóng xạ, hơi khí độc... muốn phòng tránh được cho người lao động cần phải thực hiện các biện pháp giảm thiểu các yếu tố này đến mức thấp nhất. Do vậy, các doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp hàng năm cho người lao động theo quy định của Bộ luật An toàn vệ sinh lao động hiện hành”.
        Năm 2019, Trung tâm đã tham mưu Sở Y tế chỉ đạo các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động tại các đơn vị trong ngành Y tế và hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện tốt công tác vệ sinh lao động. Tổ chức thực hiện quan trắc môi trường lao động và hướng dẫn các đơn vị y tế trong tỉnh lập phiếu đánh giá tiếp xúc nghề nghiệp với các yếu tố vi sinh vật để làm cơ sở giải quyết chế độ cho cán bộ y tế mắc bệnh nghề nghiệp và làm cơ sở thực hiện chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật cho cán bộ y tế theo hướng dẫn tại Thông tư số 25/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013 của Bộ Lao động thương binh và xã hội về việc hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại. Tăng cường công tác quản lý khám sức khỏe định kỳ và tổ chức khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp cho nhân viên y tế và người lao động theo quy định hiện hành. Chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ lần thứ 3 năm 2019.
      Để thực hiện phòng chống tốt bệnh nghề nghiệp cho người lao động cần thông tin, tuyên truyền sâu rộng về các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm có hại tại nơi làm việc nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ sở lao động, người lao động trong công tác cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp, bảo đảm tính mạng của người lao động. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền triển khai Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành đến cơ sở lao động và người lao động; Kế hoạch 549/KH-BYT ngày 06 tháng 6 năm 2014 của Bộ Y tế thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và các đơn vị sự nghiệp triển khai các chương trình hành động cụ thể để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc, góp phần hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
       Trong năm 2020, ngành Y tế tiếp tục phối hợp cùng liên ngành để thực hiện thanh tra, kiểm tra vệ sinh lao động, công tác quan trắc môi trường lao động, công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, công tác cải thiện môi trường làm việc đối với những doanh nghiệp có nhiều yếu tố có hại, có nguy cơ cao mắc bệnh nghề nghiệp.
       Bệnh nghề nghiệp xuất hiện do môi trường lao động, làm việc không đảm bảo các quy định về tiếng ồn, bụi, vi sinh vật, phóng xạ, hơi khí độc... muốn phòng tránh được cho người lao động cần phải thực hiện các biện pháp giảm thiểu các yếu tố này đến mức thấp nhất. Bên cạnh đó, cũng cần tổ chức khám phát hiện và cách ly sớm bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Do vậy, các doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp hàng năm cho người lao động theo quy định của Bộ luật An toàn vệ sinh lao động hiện hành.

Tác giả bài viết: Thu Phương - Khoa TT-GDSK- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Trang thông tin điện tử Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập49
  • Hôm nay654
  • Tháng hiện tại34,557
  • Tổng lượt truy cập25,109,149
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây