Ghi nhận kết quả về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2019
Thứ tư - 10/07/2019 22:31
Nhờ có sự chỉ đạo kịp thời của Vụ Sức khoẻ Bà mẹ trẻ em - Bộ Y tế, Bệnh viện Từ Dũ, đặc biệt là Sở Y tế Bình Định; sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) tỉnh, các Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố; cùng với đội ngũ làm công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) ở các tuyến nên trong 6 tháng đầu năm 2019 việc triển khai thực hiện các nội dung hoạt động của chương trình đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe, tư vấn trực tiếp là một trong những hoạt động luôn được duy trì và tăng cường tại các cơ sở cung cấp dịch vụ CSSKSS trên địa bàn, góp phần giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết và thay đổi hành vi về CSSKSS. Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau khi sinh được duy trì và tăng cường. Cụ thể: phụ nữ có thai (PNCT) được quản lý thai 99,98%; tỷ lệ PNCT được khám thai 3 lần trở lên đạt 99,93 %; tỷ lệ PNCT được khám thai 4 lần trở lên đạt 95,97%; tỷ lệ PNCT được tiêm phòng uốn ván đủ liều 99,97%; tỷ lệ PNCT do cán bộ y tế đỡ 99,8%; tỷ lệ PNCT đẻ tại cơ sở y tế 99,7%; tỷ lệ phụ nữ đẻ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh (42 ngày) đạt 100%. Thực hiện dịch vụ kế hoạch hóa gia đình gồm 705 ca sử dụng vòng tránh thai; 3.311 ca sử dụng thuốc tránh thai; 1.237 ca sử dụng bao cao su; 123 ca đình sản; 20.491 lượt phụ nữ được khám phụ khoa; 9.096 lượt phụ nữ được điều trị phụ khoa. Các hoạt động truyền thông tư vấn vị thành niên/thanh niên (VTN/TN) ở 02 Góc Tuổi Hồng và mô hình cung cấp dịch vụ thân thiện VTN/TN ở tuyến huyện, thị xã, thành phố vẫn được duy trì thường xuyên với 42 lượt truyền thông, tư vấn; 69 ca khám phụ khoa; 49 ca điều trị và 38 ca khám thai. Trong 6 tháng đầu năm 2019, có 64 trường hợp nạo phá thai an toàn trên tổng số 9.039 trẻ đẻ sống, tỷ lệ 1% (tăng hơn so với cùng kỳ năm 2018: 0,64%)…
Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh luôn làm tốt công tác tham mưu cho Sở Y tế trong chỉ đạo điều hành xây dựng Kế hoạch hoạt động các Dự án Chăm sóc Sức khỏe sinh sản trong tỉnh; chỉ đạo các đơn vị cung cấp dịch vụ CSSKSS trên toàn tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc hướng dẫn Quốc gia về các dịch vụ CSSKSS của Bộ Y tế, nhằm giảm tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ, giảm tử vong sơ sinh trên địa bàn tỉnh.
Đối với công tác chỉ đạo tuyến: có phân công cụ thể cán bộ chịu trách nhiệm từng địa bàn; hoàn chỉnh các bảng kiểm giám sát phù hợp với từng nội dung chương trình; thực hiện giám sát hỗ trợ cho 11 huyện, thị xã, thành phố với các nội dung: cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ thường xuyên ở tuyến huyện, xã; chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh sớm (EENC); các quy trình chuyên môn, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn; chương trình dự phòng các bệnh lây truyền từ mẹ sang con; công tác lập kế hoạch hoạt động chương trình và thống kê báo cáo; hỗ trợ giải quyết những vướng mắc của chương trình theo tình hình thực tế của các huyện, thị xã, thành phố; phối hợp với Bệnh viện Từ Dũ giám sát hỗ trợ và khen thưởng cho cô đỡ thôn bản đang hoạt động năm 2019.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trong 6 tháng đầu năm công tác CSSKSS vẫn còn những tồn tại và khó khăn đó là: thiếu cán bộ nữ hộ sinh (NHS) ở một số Trạm Y tế xã, do nghỉ hưu hoặc do điều chuyển công tác nên không đảm bảo độ bao phủ mạng lưới cho việc triển khai hoạt động các chương trình; hoạt động chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh ngay sau mổ đẻ chưa được các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện; chương trình dự phòng các bệnh lây truyền từ mẹ sang con như: HIV, viêm gan B, giang mai triển khai chưa đồng bộ, tỷ lệ PNCT được tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện còn thấp (10,88%); công tác kiểm tra, giám sát tuyến dưới nhiều lúc chưa kịp thời nên chưa hỗ trợ một cách tích cực cho các hoạt động tại cơ sở…
Trong 6 tháng cuối năm 2019, nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động của chương trình từ tỉnh đến cơ sở, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị y tế liên quan, quản lý và giám sát hỗ trợ kịp thời cho tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ CSSKSS; tăng cường chỉ đạo các cơ sở cung cấp dịch vụ CSSKSS, đặc biệt là công tác chăm sóc sản khoa thiết yếu nhằm giảm tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ, giảm tử vong sơ sinh. Ngoài ra, tiếp tục duy trì công tác truyền thông giáo dục thay đổi hành vi, lồng ghép tư vấn SKSS vào việc cung cấp dịch vụ thường xuyên ở các tuyến; duy trì công tác chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau sinh nhằm giảm tai biến sản khoa; tăng cường công tác bảo vệ sức khoẻ bà mẹ: khám phụ khoa, phát hiện số ca mắc và điều trị hiệu quả góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh phụ khoa, giảm số ca mắc bệnh nặng. Phối hợp với Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện tốt chiến dịch CSSKSS và các hoạt động thường xuyên nhằm nâng cao sức khoẻ bà mẹ trẻ em, tăng số cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai; tiếp tục triển khai công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở cung cấp dịch vụ...
Đồng thời, duy trì thực hiện giám sát hỗ trợ kỹ thuật các chương trình CSSKSS/KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe VTN/TN nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc của cơ sở; thẩm định tử vong mẹ (nếu có); giám sát theo kế hoạch năm 2019 của Bệnh viện Từ Dũ; tham gia giao ban, trực báo tại các huyện, thị xã, thành phố. Triển khai tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực giám sát và chuyên môn cho cán bộ làm công tác chuyên môn ở các tuyến; tập huấn cô đỡ thôn bản đang hoạt động; tập huấn triển khai sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em cho 10 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện An Lão đã triển khai năm 2018); tham gia các lớp tập huấn trực tuyến do Bệnh viện Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Duy trì công tác thông kê, báo cáo đúng thời gian quy định./.
Tác giả bài viết: Thùy Vy (Khoa TT-GDSK) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh