Kinh nghiệm từ sự kiện tàu Diamond Princess

Thứ hai - 09/03/2020 22:41
Sự kiện lây lan dịch bệnh từ tàu Diamond Princess được coi là thảm họa dịch tễ học. Cho đến nay đã có 696 hành khách đi trên tàu Diamond Princess được xác định dương tính với nCoV, 7 người tử vong. Từ một con tàu “mơ ước” trở thành con tàu “ác mộng” với những du khách trên tàu. Nhìn lại hành trình xử lý tình hình dịch bệnh tại tàu Diamond Princess, chúng ta cần rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng kiểm tra công tác chống dịch nCoV chuẩn bị đón chuyến bay quốc tế tại bộ phận kiểm dịch y tế quốc tế Cảng Hàng không Phù Cát (Ảnh ngày 05/02/2020)
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng kiểm tra công tác chống dịch nCoV chuẩn bị đón chuyến bay quốc tế tại bộ phận kiểm dịch y tế quốc tế Cảng Hàng không Phù Cát (Ảnh ngày 05/02/2020)
      1. Xử lý khi trong một nhóm người có trường hợp bệnh: Khi biết được thông tin có trường hợp dương tính với nCoV, nhưng người có trách nhiệm không có phản ứng gì, kể cả hành khách. Đồng thời trên tàu đã tổ chức các hoạt động giải trí như biểu diễn văn nghệ, bóng bàn, thi hát karaoke, tiệc trà, đố vui, trò chơi giải trí, thậm chí cả tiệc buffet. COVID-19 có thể lây bệnh trước khi người bệnh xuất hiện triệu chứng, nên khi người bệnh rời tàu thì họ đã kịp làm lây bệnh COVID-19 cho những người khác. Hơn một tuần kể từ khi người mắc bệnh rời tàu, các hành khách đã cùng nhau dùng buffet, ngồi gần nhau trong các buổi biểu diễn trong nhà hát và quây quần chơi mạt chược... Điều này đã vô tình làm phát tán mầm bệnh, giống như ta cầm một nắm cát rải ra môi trường và dịch bệnh lây lan nhanh chóng. Đây là điều tối kỵ trong phòng chống các bệnh truyền nhiễm.
      2. Phản ứng với dịch bệnh: Chính phủ Nhật Bản phải mất 72 giờ sau khi nhận được các thông tin mới quyết định cách ly toàn bộ tàu Diamond Princess. Trong khi đó, đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A thì biện pháp xử lý phải áp dụng ngay trong vòng 24 giờ. Chỉ cần chậm 1 giờ là mầm bệnh đã có thể lây lan ra cho nhiều người khác.
      3. Tại sao mặc dù trên tàu đã thực hiện vệ sinh thường xuyên, sử dụng các chất tẩy trùng có thể nhanh chóng tiêu diệt virus nhưng không có tác dụng:  nCoV lây truyền qua 3 con đường chủ yếu là đường hô hấp qua giọt bắn khi ho, hắt hơi, nói chuyện của người bệnh, qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh và qua bàn tay, tiếp xúc với các bề mặt bị nhiễm virus. Để ngăn chặn lây lan của dịch bệnh phải đánh vào 3 khâu của quá trình dịch: Cắt đứt nguồn truyền nhiễm, tức cách ly tuyệt đối những người có biểu hiện bệnh và sử dụng khẩu trang để mầm bệnh không phát tán ra môi trường; Cắt đứt đường truyền bệnh, tức không để mầm bệnh lây từ người bệnh sang người lành bằng cách rửa tay thường xuyên với xà phòng, khử trùng tất cả các bề mặt có khả năng nhiễm vi rút; Bảo vệ người chưa bị bệnh, sử dụng khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn với người bệnh. 
      Trong những ngày đầu, việc giữ khoảng cách giữa những người có mặt trên tàu, sử dụng khẩu trang và các biện pháp vệ sinh tay đã không được khuyến cáo. Mặc dù hành khách được cách ly trong cabin riêng, nhưng thủy thủ vẫn đi lại mang thức ăn đến cho các cabin, trong khi đó đã có thủy thủ có biểu hiện bệnh... nên việc vệ sinh tàu đã không có tác dụng. Việc thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm không đúng nguyên tắc đã làm cho bệnh tiếp tục lây lan, các thành viên thủy thủ đoàn ăn ở, sinh hoạt gần nhau, mọi người càng ở trên tàu lâu thì nguy cơ lây nhiễm mới càng tăng lên.
      4. Thực hiện cách ly: Nguyên tắc cách ly là phải phân loại đối tượng để thực hiện cách ly phù hợp với từng đối tượng nhằm hạn chế thấp nhất khả năng lây từ người bệnh sang người chưa bị bệnh như: Cách ly tuyệt đối với những người có biểu hiện bệnh, cách ly tương đối với những người tiếp túc gần với các trường hợp bệnh hay nghi ngờ, cách ly hạn chế với những người còn lại. Nguyên tắc này đã không được tuân thủ khi thực hiện cách ly tại tàu Diamond Princess.
Mặt khác, hành khách được cách ly trong các cabin kín không có cửa sổ, một số người bị sốt nhưng vẫn ở chung với người khác; hàng nghìn người sống trong không gian chật hẹp trên tàu, không gian kín trên con tàu là môi trường thuận lợi cho virus lây lan. Việc làm này vô tình làm tăng khả năng lây nhiễm của COVID-19 cho những người trên tàu.
      5. Điều gì làm cho COVID-19 lây cho những người khác dù không ở trên tàu Diamond Princess: Sau khi kết thúc 14 ngày cách ly, các hành khách được sơ tán về nước trên những chuyến bay chung với những hành khách khác. Khi thực hiện cách ly trên tàu với số trường hợp bệnh lớn như vậy thì có thể trong những ngày đầu ngày họ chưa bị nhiễm nCoV, nhưng sau đó họ lại bị nhiễm và trước khi rời tàu họ vẫn là người bị phơi nhiễm. Người đầu tiên nhiễm bệnh có thể đã lây cho nhiều người khác, những người này lại tiếp tục lây cho những người tiếp theo, nên khi những người này rời tàu có thể đã bị nhiễm bệnh và thời gian ủ bệnh là phải tính cho người cấp thứ ba đó. Việc tính thời gian cách ly cho những người rời tàu trong trường hợp này phải tính từ khi ra khỏi vùng dịch, tiếp xúc lần cuối với trường hợp bệnh hay nghi ngờ. Vì vậy, chính xác là phải tiếp tục cách ly 14 ngày sau khi rời tàu.
      6. Thông tin cũng là vấn đề quan trọng. Khi những người trong cuộc không nắm rõ các thông tin thì các biện pháp phòng bệnh có thể không được thực hiện nghiêm túc.
      Đối với các bệnh dịch như COVID-19, khi mà sự hiểu biết của chúng ta về bệnh chưa thật đầy đủ thì việc cách ly y tế và áp dụng ngay các biện pháp phòng bệnh trên cơ sở hiểu biết đường lây là rất quan trọng để dập tắt dịch. Tuy nhiên việc cách ly cũng phải bảo đảm tính khoa học, logic từ cơ sở vật chất phục vụ cách ly; phân luồng, khu vực cách ly; thực hiện cách ly riêng phù hợp với từng nhóm đối tượng theo mức độ nguy cơ. Tổ chức cách ly không đúng nguyên tắc, vô tình lại làm tăng lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly. Vấn đề này cũng đã từng xảy ra ở một số bệnh viện, nơi cách ly điều trị các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm. Việc phân tích nội dung này không nhằm chỉ trích mà chỉ là chia sẻ cùng các đồng nghiệp để rút ra bài học kinh nghiệm phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh./.

Tác giả bài viết: BS. Bùi Ngọc Lân - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Trang thông tin điện tử Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập47
  • Hôm nay2,463
  • Tháng hiện tại37,547
  • Tổng lượt truy cập25,112,139
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây