Hội nghị tổng kết công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Thứ tư - 10/01/2024 04:29
Chiều ngày 09/01/2024, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Dân số - KHHGĐ năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Sở Y tế; tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các phòng Nghiệp vụ Y, Kế hoạch - Tài chính Sở Y tế; đại diện lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Khoa Sức khỏe sinh sản, Khoa Truyền thông - Giáo dục sức khỏe; đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố, Phòng Dân số - Truyền thông và Giáo dục sức khỏe/ Phòng Dân số, Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Phụ sản/Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản (Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản); đại diện lãnh đạo Phòng Y tế các huyện, thị xã, thành phố.
Trong năm 2023,công tác DS-KHHGĐ được triển khai hiệu quả; nhiều hoạt động truyền thông, vận động và cung cấp dịch vụ dân số/sức khỏe sinh sản/KHHGĐ đã được triển khai đồng bộ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu được giao, đặc biệt các hoạt động triển khai tại các vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông, vận động và cung cấp dịch vụ Dân số/ sức khỏe sinh sản/ KHHGĐ, đạt một số chỉ tiêu:Tiếp tục duy trì mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2,0 - 2,2 con) năm 2023 là 2,18 (năm 2022: 2,02); Có 132/150 phụ nữ được hỗ trợ chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số tại 05 huyện trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 39/2015/NĐ-CP của Chính phủ trong năm 2023 (tương đương 88 % so với KH), tăng 19 người so với cùng kỳ năm 2022 (113/150 người); Tổng số trẻ sinh trong năm 2023 trên toàn tỉnh: 17.202, tăng2.816 trẻ so với cùng kỳ năm 2022 (14.386 trẻ), trong đó: bé gái: 8.186, tăng 1.342 trẻ so với cùng kỳ năm 2022 (6.844 trẻ); con thứ 3: 2.312, tăng 628 trẻ so với cùng kỳ năm 2022 (1.684 trẻ); Tỷ số giới tính khi sinh năm 2023: 110,1 (điểm %), giảm0,1 (điểm %) so với cùng kỳ năm 2022; Số phụ nữ mang thai được được sàng lọc trước sinh trong năm 2023: 8.163, tăng1.789 người so với cùng kỳ năm 2022 (6.374 người); Số trẻ được sàng lọc sơ sinh trong năm 2023: 1.106 trẻ, tăng485 trẻ so với cùng kỳ năm 2022 (621 trẻ); Số người mới thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại trong năm 2023: 86.692 vượt 11,4 % so với KH (77.800 người), tăng3.106 người (tương đương 3,2 %) so với cùng kỳ năm 2022 (83.969 người); Số NCT trên toàn tỉnh được khám sức khỏe định kỳ trong năm 2023: 122.777, chiếm tỷ lệ 47,7 % tổng số NCT trên toàn tỉnh (257.671 người), tăng 42.944 người (tương đương 53,8 %) so với cùng kỳ năm 2022 (79.833 / 253.667 người)...Các chương trình truyền thông dân số; củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ; củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số; chương trình mục tiêu y tế - dân số; chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi; đào tạo, bồi dưỡng , tập huấn nâng cao năng lực; công tác kiểm tra, giám sát; chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao thể trạng tầm vóc người dân tộc thiểu số... tiếp tục được thực hiện, tuyên truyền và triển khai rộng rãi tại các địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân số và phát triển vẫn còn một số hạn chế như: Một số cấp uỷ đảng và chính quyền, đoàn thể các cấp có nơi chưa tích cực chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ để tổ chức triển khai thựchiện các nhiệm vụ, hoạt động dân số tại địa phương, tại cơ sở; Việc tổ chức khám sức khỏe trước khi kết hôn cho các cặp nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn còn gặp một số khó khăn; Hoạt động truyền thông ở cơ sở gặp nhiều khó khăn do không có đội ngũ nhân viên y tế khu phố, một số NVYTT bỏ việc chưa được bổ sung kịp thời; Việc vận động đối tượng đến tham gia các buổi truyền thông gặp nhiều khó khăn; Năng lực chuyên môn và quản lý các hoạt động dân số ở một số đơn vị vẫn còn hạn chế; Chưa có phần mềm MIS dành cho tuyến xã, nên việc rà soát, cập nhật thông tin biến động tại các TYT và công tác thẩm định số liệu của các TTYT gặp nhiều khó khăn; …
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe một số báo cáo tham luận của các đơn vị: “Truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên” trên địa bàn thành phố Quy Nhơn của TTYT thành phố Quy Nhơn; Kết quả “Tổ chức triển khai thực hiện Chiến dịch Truyền thông, vận động DS/SKSS tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023” của TTYT huyện Vĩnh Thạnh.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đưa ra phương hướng và mục tiêu năm 2024. Đồng thời, đưa ra kiến nghị đề xuất các giải pháp góp phần thực hiện tốt hơn các chỉ tiêu công tác dân số trong năm 2024: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chú trọng giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số; Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng; Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; Chăm sóc sức khỏe NCT; Chương trình mở rộng củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ); Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; Truyền thông dân số; Đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số; Củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số; Kiểm tra, giám sát chuyên môn…với tổng kinh phí dự kiến phân bổ là 3.052.222.000 đồng, trong đó tiết kiệm chi 10%: 305.222.000 đồng, còn lại kinh phí thực hiện là: 2.747.000.000 đồng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Phó Giám đốc Sở Y tế ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Chi cục DS - KHHGĐ đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh trong thời gian tới Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn nữa hoạt động truyền thông; tiếp tục kiện toàn, củng cố mạng lưới dân số trong toàn tỉnh để đạt điểm trong Bộ Tiêu chí Quốc gia về y tế xã; đa dạng hóa các loại hình cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS và nâng cao chất lượng dân số; khảo sát, đánh giá tỷ suất sinh tại các đơn vị để có giải pháp thực hiện tốt hơn; không giao kinh phí cho những đơn vị không có đối tượng miễn phí thụ hưởng dịch vụ mà chuyển nguồn sang các hoạt động khác cho phù hợp; chỉ đạo Chi cục hoàn thiện báo cáo kết quả hoạt động năm 2023 trong nguồn ngân sách nhà nước và chương trình mục tiêu; đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên làm công tác dân số tại Trạm y tế; hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số và hệ thống cộng tác viên dân số; xây dựng biểu mẫu thống nhất; cập nhập cơ sở dữ liệu công tác dân số để quản lý dữ liệu trong thực hiện chuyển đổi số,thống nhất và đồng bộ trong Hồ sơ khám sức khỏe điện tử; triển khai xây dựng ngay kế hoạch kinh phí thực hiện trong năm 2024.Bên cạnh đó đề nghị các đơn vị thực hiện nhiệm vụ triển khai đồng bộ, có hiệu quả các kế hoạch, chương trình, đề án về dân số đến năm 2030 tập trung vào các vấn đề trọng tâm của tỉnh như kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…/.
Tác giả bài viết: Thùy Vy - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh