Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 từ ngày 10/11 đến ngày 10/12/2024 với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS

Thứ hai - 11/11/2024 21:29
“Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS” không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà có nghĩa là khi AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng. Mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS là khi đạt được các tiêu chí sau: Số người nhiễm HIV phát hiện dưới 1.000 ca mỗi năm (tương đương dưới 01 người nhiễm mới HIV/100.000 dân).
Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 từ ngày 10/11 đến ngày 10/12/2024 với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS
                                                                   
Chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” mà Việt Nam lựa chọn trong năm 2024 có ý nghĩa quan trọng và được đưa ra dựa trên bối cảnh cụ thể; nhằm nhấn mạnh vai trò của nhân quyền trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. UNAIDS cho rằng việc đặt nhân quyền làm trọng tâm và huy động sự tham gia của cộng đồng sẽ giúp thế giới đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030. Bên cạnh đó, đây còn là sự tiếp nối cam kết đã được thể hiện rõ tại Hội nghị cấp cao về HIV/AIDS lần thứ 75 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2021. Tại hội nghị này, cộng đồng quốc tế, bao gồm Việt Nam, đã thông qua Tuyên bố Chính trị với mục tiêu: “Chấm dứt các bất bình đẳng và trở lại đúng hướng để kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Nội dung nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo đảm quyền con người trong tiếp cận dịch vụ y tế, không có sự phân biệt đối xử và đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho tất cả mọi người, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương. Tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng việc tiếp cận các dịch vụ y tế phải đảm bảo tính sẵn có, khả năng tiếp cận, có thể chấp nhận được, có chi phí hợp lý, và đảm bảo chất lượng. Trong những năm qua, Việt Nam đã thể hiện sự cam kết thông qua việc xây dựng và thực hiện các chính sách cụ thể nhằm đảm bảo mọi người dân, bao gồm cả các nhóm nguy cơ cao, đều có thể tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách công bằng và bình đẳng. Chính phủ đã thông qua Chiến lược Quốc gia phòng, chống AIDS, ban hành Luật Phòng, chống HIV/AIDS (2006, sửa đổi năm 2020), và chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện nghiêm túc các biện pháp can thiệp. Ban Bí thư TIung ương Đảng cũng đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW năm 2021 để tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, thể hiện sự quyết tâm cao độ trong việc thực hiện cam kết chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030.
Hiện nay, Bình Định vẫn còn nhiều yếu tố nguy cơ làm gia tăng lây nhiễm HIV/AIDS. Đó là tình hình nghiện chích ma túy, mại dâm còn phức tạp, tỷ lệ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đang gia tăng, đặc biệt trong nhóm MSM…
Tính đến cuối tháng 9/2024, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 1.447 người nhiễm HIV, trong đó chuyển sang AIDS là 722 người và tử vong do AIDS là 584 người; 11/11 (100%) huyện, thành phố, thị xã có người nhiễm HIV; 134/159 (84,3%) xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV. Mặc dù số lượng người nhiễm HIV không quá cao trong những năm qua nhưng điều đáng quan tâm là trong 5 năm gần đây tình hình nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng rõ rệt: tổng số người nhiễm HIV phát hiện mới trong 5 năm (từ 2020-9/2024) là 503 trường hợp, gần bằng với tổng số người nhiễm HIV tích lũy của 10 năm trước đó (từ 2009-2019) với 518 trường hợp. Người nhiễm HIV mới phát hiện phân bố có độ tuổi chủ yếu từ 15 - 49 tuổi (chiếm 78%). Nam giới chiếm tới 85,29% và lây qua đường tình dục đang tăng mạnh chiếm trên 90%. Phân bố người nhiễm HIV mới phát hiện trong nhóm đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang có xu hướng tăng chiếm 26%, trong 5 năm gần đây, năm 2019 chỉ phát hiện 09 trường hợp, từ năm 2019 đến 14/10/2024 phát hiện thêm 101 trường hợp, riêng năm 2023 phát hiện 26 trường hợp trong nhóm đối tượng này.
Thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 hướng đến mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, để giảm số người nhiễm mới HIV và tử vong liên quan đến AIDS, chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch bệnh HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế-xã hội. Để thực hiện mục tiêu trên, trong những năm qua, Bình Định đã triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS từ tỉnh đến cơ sở nhằm tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS đến năm 2030. Về lĩnh vực hoạt động truyền thông, can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục và tổ chức các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn quản lý. Triển khai hoạt động can thiệp giảm tác hại trong đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) cụ thể  tháng 8/2024, đã thành lập nhóm nhân tiên tiếp cận cộng đồng với 12 thành viên tham gia, có 145 lượt khách hàng nhận dịch vụ can thiệp giảm hại. Duy trì 100 điểm cấp bao cao su và tài liệu truyền thông phòng chống HIV/AIDS miễn phí tại các cơ sở vui chơi, giải trí, lưu trú trên địa bàn tỉnh. Trong 9 tháng đầu năm 2024 đã cấp miễn phí 56.880 chiếc bao cao su. Đối với điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone thìcơ sở điều trị Methadone - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được thành lập từ tháng 8 năm 2015, đang điều trị duy trì cho 26 bệnh nhân (BN). Trong 9 tháng đầu năm đã khám 522 lượt bệnh nhân và cấp thuốc cho 7.320 lượt bệnh nhân.  Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP), tỉnh đã triển khai 02 cơ sở điều trị PrEP tại Phòng khám Đa khoa thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Phòng khám, điều trị HIV/AIDS thuộc Trung tâm Y tế thị xã Hoài Nhơn. Tháng 8/2024, các cơ sở điều trị đi vào hoạt động. Hiện đã tiếp nhận và điều trị cho 18 khách hàng. Hoạt động giám sát phát hiện HIV đã  xét nghiệm sàng lọc HIV cho trên 30.000 mẫu máu/năm. Đã triển khai cho tuyến huyện, xã làm xét nghiệm sàng lọc HIV cho phụ nữ mang thai và các đối tượng có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV theo quy định. Tăng cường, mở rộng các dịch vụ xét nghiệm HIV cố định tại các cơ sở y tế và dịch vụ lưu động, cấp test tự xét nghiệm HIV online trên trang Web: https://tuxetnghiem.vn Hoạt động Chăm sóc điều trị HIV (ARV) vẫn duy trì 02 cơ sở điều trị HIV tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế thị xã Hoài Nhơn. Hiện đang theo dõi, điều trị cho 538 bệnh nhân HIV/AIDS, trong đó có 12 trẻ em. 100% bệnh nhân đang điều trị ARV đều có thẻ BHYT, trong 9 tháng đầu năm 2024, hỗ trợ cấp miễn phí thẻ BHYT cho 52 bệnh nhân…
Hiện nay, Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp của tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS; Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; Nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS; Tuyên truyền vận động cách ứng xử với người nhiễm HIV/AIDS; Đẩy mạnh kết nối các dịch vụ dự phòng, điều trị và hỗ trợ xã hội đối với cá nhân và gia đình người nhiễm HIV/AIDS theo Kế hoạch của tỉnh đề ra./.
                                                                                 

KHẤU HIỆU CỦA THÁNG HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA PHÒNG, CHÔNG AIDS NĂM 2024

   1. Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030
  2. Tuổi trẻ chung vai - Vì tương lai không còn dịch bệnh AIDS!
  3. Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030
  4. Chung sức, đồng lòng - Quyết tâm kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030
  5. Giữ vững cam kết - Quyết tâm ngăn chặn AIDS!
  6. Dự phòng và điều trị HIV/AIDS để không ai bị bỏ lại phía sau!
  7. Xét nghiệm là cách duy nhất để biết tình trạng nhiễm HIV của bạn!
  8. Xét nghiệm HIV sớm để bảo vệ bản thân và cộng đồng!
  9. Tuân thủ điều trị ARV để đạt được K=K!
 10. Người có hành vi nguy cơ cao nên xét nghiệm HIV định kỳ 6 tháng 1 lần!
11. Điều trị ARV sớm giúp khỏe mạnh và giảm lây nhiễm HIV!
 12. Tham gia bảo hiểm y tế là cách tốt nhất để người nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục suốt đời!
 13. Phụ nữ mang thai cần xét nghiệm HIV để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con!
 14. Thanh niên hiện đại, không ngại bao cao su!
 15. Dùng riêng bơm kim tiêm sạch giúp phòng lây nhiễm HIV!
 16. Methadone – Liều thuốc vàng cho người lệ thuộc các chất ma túy dạng thuốc phiện!
 17. PrEP – Biện pháp dự phòng HIV hiệu quả và an toàn!
 18. Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS!
 19. Nhiệt liệt hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12/2024 !
 20. Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024.

Tác giả bài viết: Phan Văn Hớn - Trưởng khoa TT-GDSK Trung tâm kiểm soát bệnh tật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Trang thông tin điện tử Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập46
  • Hôm nay654
  • Tháng hiện tại34,606
  • Tổng lượt truy cập25,109,198
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây