Tăng cường phòng chống bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng trong cộng đồng
Thứ năm - 01/08/2019 22:05
Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm đến ngày 29/7/2019, cả nước có hơn 105 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), đáng chú ý đã có 10 trường hợp tử vong, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt gần đây số ca mắc tăng nhanh tại 34 tỉnh, thành phố của các khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam, trong đó cỏ tỉnh Bình Định. Dự báo tình hình dịch bệnh SXH trong thời gian tới vẫn còn có thể diễn biến rất phức tạp, có nguy cơ gia tăng cao số ca mắc bệnh tại nhiều địa phương.
Tại Bình Định, đến hết ngày 29/7/2019, toàn tỉnh ghi nhận khoảng 4.100 trường hợp mắc SXH, tỷ lệ mắc/100 nghìn dân là 260,64; ca bệnh đã xuất hiện tại 147/159 xã, phường, thị trấn; nguy cơ số ca mắc tăng cao trong thời gian tới nếu không chủ động phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch và triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền vi rút từ người bệnh sang người lành. Muỗi vằn thường sống ở trong nhà, đậu trong những chỗ tối như gầm bàn, gầm giường, hốc tủ, quần áo treo trên vách…, chích hút máu người cả ngày lẫn đêm. Theo Bộ Y tế, bước vào những tháng cao điểm mùa dịch, cộng với sự diễn biến bất lợi của thời tiết, xen kẽ các đợt nắng nóng kéo dài và các đợt mưa lớn làm cho muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh, dự báo thời gian tới số mắc SXH sẽ tiếp tục gia tăng và bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống. Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trường xây dựng, đất bỏ hoang, nhà trọ, lán trại… là môi trường thuận lợi cho muỗi và lăng quăng truyền bệnh phát triển và khó kiểm soát triệt để. Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người dân về phòng chống SXH chưa cao, chưa chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy ngay trong hộ gia đình, thói quen tích trữ nước, không lật úp dụng cụ... khiến công tác kiểm soát véc tơ, phòng bệnh gặp rất nhiều khó khăn.
Vì thế, để tăng cường phòng, chống bệnh SXH, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, Bộ Y tế đề nghị chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo triển khai mạnh mẽ các hoạt động diệt lăng quăng, bọ gậy trên địa bàn có nguy cơ; tăng cường công tác thông tin giáo dục, truyền thông về phòng, chống SXH, huy động các lực lượng truyền thông, các kênh truyền thông tuyên truyền cho người dân về các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy, nằm màn, chống muỗi đốt và phối hợp với các cơ quan y tế trong việc phun hóa chất diệt muỗi tại các hộ gia đình.
Ngành Y tế tăng cường giám sát, nắm chắc các ổ dịch SXH hiện có và phát sinh, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao và phun hóa chất triệt để khi phát hiện các ổ dịch không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài; kiện toàn và duy trì hoạt động thường xuyên đội ngũ cộng tác viên phòng, chống SXH; các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung phân loại và điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do SXH, đặc biệt tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, dẫn đến tình trạng khi nhập viện thì bệnh đã nặng, nguy cơ tử vong cao; tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, ngành Y tế thường xuyên tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo phòng, chống SXH, hỗ trợ cán bộ tuyến dưới và mạng lưới cộng tác viên về các nội dung hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch, hướng dẫn chẩn đoán điều trị SXH…
Hiện nay bệnh SXH chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng và phòng chống muỗi đốt. Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh ngay tại hộ gia đình với khẩu hiệu “không có lăng quăng, không có SXH”, tự xử lý các dụng cụ chứa nước không cho muỗi vào đẻ trứng; hàng tuần, thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt côn trùng vào bát nước kê chân chạn; hàng tuần, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi trong các hộ gia đình; đồng thời tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; khi có các biểu hiện nghi ngờ bị mắc SXH cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được hướng dẫn và điều trị kịp thời, không được tự ý điều trị tại nhà.
Trong tháng 8/2019, Bộ Y tế sẽ triển khai 8 đoàn công tác kiểm tra giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh SXH Dengue tại 18 tỉnh, thành có số ca mắc SXH tăng cao, trong đó có tỉnh Bình Định. Bộ Y tế sẽ kiểm tra về công tác triển khai kế hoạch hoạt động phòng chống SXH; hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch, công tác chuyên môn về dự phòng, giám sát xử lý ổ dịch, tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng; thu dung điều trị bệnh nhân. Bên cạnh đó là vai trò của chính quyền các cấp, huy động ban, ngành, đoàn thể tham gia phòng, chống SXH tại địa phương…
Tác giả bài viết: Thùy Vy (Khoa TT-GDSK) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh