Tăng cường tiêm chủng, chủ động phòng bệnh bạch hầu

Thứ ba - 07/07/2020 04:00
Từ tháng 6 đến nay, số ca mắc bạch hầu của Việt Nam có xu hướng tăng lên. Tính đến ngày 6/7/2020, Việt Nam đã ghi nhận 49 ca mắc bạch hầu tại 4 tỉnh: Kon Tum (23 ca), TP Hồ Chí Minh (1 ca), Gia Lai (10 ca), Đắk Nông (15 ca). Trong đó, có 3 trường hợp đã tử vong.
Phòng bệnh bạch hầu (Ảnh. Thu Hiền)
Phòng bệnh bạch hầu (Ảnh. Thu Hiền)
       Trước tình hình dịch bệnh bạch hầu có diễn biến khá phức tạp tại một số địa phương, các biện pháp phòng chống dịch đang được tích cực triển khai, trong đó đẩy mạnh tiêm chủng phòng bệnh.
        Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, qua điều tra kết quả tiêm chủng của các trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại các địa phương cho thấy, hầu hết các ca mắc là trường hợp không tiêm hoặc tiêm không đủ mũi vắc xin phòng bệnh; trong đó có những trường hợp đã tiêm 3-4 mũi, nhưng vẫn mắc bệnh do miễn dịch đã giảm xuống. Đặc biệt, hầu hết những người mắc bệnh là trẻ trên 10 tuổi và người lớn.
       Tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết: “Hướng tới khống chế bệnh bạch hầu, mục tiêu 6 tháng cuối năm 2020, Chương trình Tiêm chủng mở rộng tiếp tục duy trì tỷ lệ tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib cho trẻ dưới 1 tuổi và tiêm vắc xin DPT là những vắc xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ 18 tháng tuổi trong tiêm chủng thường xuyên. Đặc biệt để chủ động phòng chống bệnh dịch bạch hầu tại các vùng nguy cơ cao, Chương trình sẽ tiếp tục triển khai tiêm vắc xin Td (vắc xin uốn ván và bạch hầu giảm liều) cho trẻ 7 tuổi tại 35 tỉnh, với số đối tượng dự kiến đến cuối năm đạt khoảng 1.005.583 trẻ”. Đây là mũi vắc xin bạch hầu thứ 5 để củng cố miễn dịch phòng bệnh bạch hầu cho trẻ ở lứa tuổi lớn hơn. Từ năm 2019 vắc xin Td đã được đưa vào chương trình tiêm chủng và đang tiếp tục được triển khai diện rộng.
         Bệnh dễ lây lan, người dân không nên chủ quan
       Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay, vắc xin phòng bạch hầu có hiệu lực trên 70-80% nhưng với điều kiện, người dân phải tiêm đủ liều. Tiêm vắc xin là biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu bền vững nhất. Trẻ em trong độ tuổi nào có chỉ định vắc xin đó phù hợp; như trẻ em dưới 1 tuổi có thể tiêm vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1 có chứa thành phần bạch hầu; trẻ em dưới 4 tuổi, có thể tiêm DPT; trẻ em 7 tuổi, có thể tiêm Td theo chỉ định của cơ quan y tế.
         Theo đó, bệnh bạch hầu rất dễ lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết của người bệnh khi ho, hắt hơi… qua các giọt bắn rơi ra tay chân, quần áo... Đặc biệt, nhiều người lành mang mầm bệnh, nhưng không có biểu hiện bệnh là nguồn lây nhiễm nguy hiểm.
         Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện ở nhiều tỉnh Tây Nguyên như: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông… đã xảy ra dịch bạch hầu với các ổ dịch và đã có ca tử vong; vì vậy, người dân không nên chủ quan. Đặc biệt là các bà mẹ cần tỉnh táo khi con có các biểu hiện giống viêm họng.
        Tất cả những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ như: Sốt cao, đặc biệt là viêm họng khiến dễ bị nhầm tưởng con mình bị viêm amidan, viêm họng, không tự ý mua thuốc cho con về uống rất nguy hiểm, người nhà nên đưa bệnh nhân đến khám ngay tại các cơ sở y tế để các bác sĩ chẩn đoán, điều trị, loại trừ xem trường hợp đó có bị bạch hầu hay không. “Người dân ở các vùng dịch cũng phải uống kháng sinh để phòng bệnh. Cùng với đó, phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh; nhất là những người dân trong ổ dịch phải đeo khẩu trang, đặc biệt là vệ sinh tay chân, quần áo, nhà cửa… bằng các hóa chất”, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
        Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Chương trình Tiêm chủng mở rộng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt việc tiêm chủng và vệ sinh phòng bệnh. Cụ thể, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp có thành phần phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch bao gồm các mũi tiêm khi trẻ dưới 1 tuổi và tiêm nhắc khi trẻ 18 tháng tuổi. Tại các địa phương nguy cơ cao, trẻ 7 tuổi cần tiêm nhắc mũi thứ 5 với vắc xin bạch hầu giảm liều-uốn ván Td.
       Bên cạnh đó, người dân cần giữ vệ sinh cá nhân như: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; vệ sinh mũi, họng hàng ngày; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
       Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Lịch tiêm chủng vắc xin phòng bạch hầu:
Mũi 1: Tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib (phòng bệnh bạch hầu-ho gà - uốn ván - viêm gan B - viêm phổi/viêm màng não mủ do hib) khi trẻ 2 tháng tuổi.
Mũi 2: Tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib khi trẻ 3 tháng tuổi.
Mũi 3: Tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib khi trẻ 4 tháng tuổi.
Mũi 4: vắc xin DPT (phòng bệnh bạch hầu-ho gà-uốn ván) khi trẻ 18 tháng tuổi.
Mũi 5: Tiêm nhắc lại khi trẻ 7 tuổi.
Mũi 6: Khuyến cáo tiêm cho người từ 9-15 tuổi, trước khi bước vào độ tuổi sinh đẻ.

Tác giả bài viết: Thu Hiền (nguồn từ Báo Mới)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Trang thông tin điện tử Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập48
  • Hôm nay2,463
  • Tháng hiện tại37,964
  • Tổng lượt truy cập25,112,556
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây