TIÊM CHỦNG LÀ MỘT TRONG NHỮNG BIỆN PHÁP GIÚP PHÒNG BỆNH BẠCH HẦU VÀ UỐN VÁN
Thứ tư - 20/11/2019 20:47
Việt Nam đã đạt được và duy trì thành quả loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh (UVSS) từ năm 2005, tuy nhiên việc duy trì thành quả loại trừ UVSS tại các địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Trước năm 2014, bệnh bạch hầu thường mắc rải rác với số lượng rất thấp khoảng 25 trường hợp/năm trong giai đoạn 2004-2010. Từ năm 2014 luôn ghi nhận các ổ dịch bạch hầu tại một số địa phương. Phân tích các ca bệnh cho thấy nhóm trẻ lớn từ 5-14 tuổi chiếm đa số ca mắc (70,5%), trong khi nhóm dưới 5 tuổi chỉ chiếm 4,8%. Tuy nhiên, hiện nay vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho nhóm trẻ lớn từ 5- 14 tuổi chưa được triển khai trong chương trình TCMR.
Tại Việt Nam, vắc xin phòng bệnh bạch hầu và uốn ván sử dụng trong tiêm chủng mở rộng trước năm 2010 là vắc xin phối hợp 3 thành phần: Bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT), với 3 mũi áp dụng cho trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi. Từ 2011, tiêm chủng mở rộng đưa vào sử dụng vắc xin phối hợp 5 thành phần: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib và bổ sung tiêm nhắc vắc xin DPT4 cho trẻ 18 - 24 tháng tuổi. Tuy nhiên, vắc xin phòng hai bệnh này chưa được triển khai ở trẻ nhóm tuổi lớn hơn. Do vậy việc triển khai tiêm vắc xin giảm liều (Td) trong chương trình TCMR cho trẻ 7 tuổi là hết sức cần thiết, giúp chủ động củng cố miễn dịch của trẻ để chủ động phòng bệnh bạch hầu và uốn ván.
Trên địa bàn tỉnh Bình Định có hơn 28.300 trẻ sẽ được tiêm vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều, nhằm chủ động phòng ngừa dịch bệnh, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh này. Chiến dịch diễn ra trong tháng 12/2019.
Bác sỹ Huỳnh Vĩnh Thu - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định cho biêt: “Các vắc xin sử dụng trong chương trình tiêm chủng đã qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt và sử dụng an toàn. Để đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ khi đi tiêm chủng, các bà mẹ cần lưu ý: Phải giữ gìn phiếu/sổ tiêm chủng của trẻ và mang theo phiếu/sổ tiêm chủng khi đưa con đi tiêm chủng. Cần chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như đang ốm, sốt, đang dùng thuốc hoặc có tiền sử phản ứng đối với loại vắc xin trong lần tiêm chủng trước, đề nghị cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm chủng. Chủ động hỏi cán bộ y tế về loại vắc xin được tiêm chủng lần này và những phản ứng có thể gặp, bế và giữ trẻ đúng tư thế theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Hỏi về cách chăm sóc, theo dõi trẻ sau tiêm, các biểu hiện bất thường nào thì đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế”.
Để phòng bệnh, trẻ cần phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Nếu trẻ không được tiêm chủng, tiêm không đầy đủ hoặc tiêm chủng muộn sẽ rất nguy hiểm dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ những bệnh nguy hiểm như: Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Viêm gan B, Bại Liệt, Sởi và viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib… Chính vì vậy các bậc cha mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vắc xin trong chương trình TCMR và cả những vắc xin chưa có trong chương trình TCMR.
Tác giả bài viết: Thu Phương - Khoa TT-GDSK- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật