TRIỂN KHAI THÍ ĐIỂM CUNG CẤP DỊCH VỤ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG THEO NHÓM ĐA NGÀNH
Thứ hai - 05/12/2022 04:34
Phục hồi chức năng theo nhóm đa ngành là một nội dung quan trọng của chương trình phục hồi chức năng. Phối hợp nhóm đa ngành trong chẩn đoán và can thiệp giúp đẩy mạnh chất lượng trong công tác phục hồi chức năng tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Y tế, từ ngày 28/10/2022, các cơ sở y tế bao gồm: Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh Bình Định, Trung tâm Y tế các huyện/thị xã An Nhơn, Phù Cát, Tây Sơn triển khai thí điểm cung cấp dịch vụ Phục hồi chức năng (PHCN) theo nhóm đa ngành với sự trợ giúp của Tổ chức The International Center (IC) trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án Hòa nhập II đang triển khai tại Bình Định.
Đến ngày 30/11/2022, các cơ sở y tế đã tiếp nhận và can thiệp thí điểm 103 bệnh nhân để cung cấp dịch vụ PHCN theo nhóm đa ngành (Bệnh viện Y học cổ truyền và PHCN 53 bệnh nhân; Trung tâm Y tế An Nhơn 10 bệnh nhân; Trung tâm Y tế Phù Cát 10 bệnh nhân; Trung tâm Y tếTây Sơn 30 bệnh nhân), trong đó tại Bệnh viện Y học cổ truyền và PHCN có 43 trường hợp bệnh nhân là nạn nhân chất độc da cam/dioxin do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh giới thiệu. Kết quả ban đầu qua can thiệp PHCN theo nhóm đa ngành cho 103 người bệnh đều có sự cải thiện rõ rệt về các chức năng vận động, đi lại, chức năng sinh hoạt hàng ngày, chức năng giao tiếp... so với tình trạng bệnh nhân khi nhập viện.
PHCN theo nhóm đa ngành là mô hình can thiệp lấy bệnh nhân làm trung tâm, bác sĩ cùng kỹ thuật viên PHCN các chuyên ngành khác nhau cùng phối hợp trong đánh giá, can thiệp và hỗ trợ cho người bệnh. Các chuyên ngành PHCN theo nhóm đa ngành bao gồm: Vật lý trị liệu, vận động trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, dụng cụ trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình và các kỹ thuật khác. Việc triển khai cung cấp dịch vụ PHCN theo nhóm đa ngành giúp cho việc lượng giá và can thiệp trên bệnh nhân một cách toàn diện hơn, nâng cao chất lượng điều trị PHCN. Các thành viên trong nhóm đa ngành hiểu rõ hơn về tình trạng của người bệnh, cùng thảo luận và đưa ra được các mục tiêu chung và kế hoạch can thiệp dựa trên nhu cầu mong muốn của người khuyết tật, người bệnh nhất là đối với những trường hợp phức tạp, nặng và mắc bệnh lâu dài. Cấp dịch vụ PHCN theo nhóm đa ngành đòi hỏi các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng và các thành viên trong nhóm can thiệp đầu tư nhiều thời gian, công sức hơn cho người bệnh, người khuyết tật; hiệu quả mang lại cao hơn, giúp người bệnh được phục hồi tốt hơn so với trước đây.
Việc triển khai thí điểm đạt được kết quả bước đầu nhờ sự ủng hộ từ lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo các cơ sở khám chữa bệnh, sự phối hợp giữa các khoa phòng trong vận hành cung cấp dịch vụ, đặc biệt là có sự hỗ trợ của Tổ chức IC từ đào tạo nhân lực, hướng dẫn các quy trình triển khai, hỗ trợ về vật chất cho người bệnh, cho đến kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực PHCN. Đây là xu hướng phát triển nhằm cung cấp dịch vụ PHCN một cách toàn diện và chất lượng, sau khi thí điểm sẽ triển khai nhân rộng và chuẩn hóa quy trình hướng dẫn PHCN theo nhóm đa ngành cho người khuyết tật, người bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh của tỉnh./.
Tác giả bài viết: Ths. Nguyễn Thu Bệnh viện YHCT&PHCN tỉnh Bình Định