Vai trò của kẽm đối với sự phát triển của trẻ

Thứ hai - 09/12/2019 03:31
Kẽm là vi chất đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và dinh dưỡng của con người. Đặc biệt đối với trẻ em, kẽm giúp cho sự sinh trưởng và phát triển của trẻ trong giai đoạn mang thai, tuổi thơ và cả vị thành niên. Việc thiếu kẽm sẽ dẫn đến chậm phát triển thể chất, chậm phát triển thần kinh, các bệnh về da và niêm mạc, dễ bị nhiễm khuẩn, biếng ăn, suy dinh dưỡng... Không chỉ vậy, khi thiếu kẽm cơ thể trẻ cũng sẽ kéo theo sự thiếu hụt hoặc rối loạn chuyển hóa của nhiều yếu tố, ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe sau này của trẻ.
Cán bộ y tế tư vấn cho phụ nữ mang thai bổ sung kẽm ngay từ lúc mang thai và trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ để phòng chống thiếu kẽm cho trẻ.
Cán bộ y tế tư vấn cho phụ nữ mang thai bổ sung kẽm ngay từ lúc mang thai và trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ để phòng chống thiếu kẽm cho trẻ.
Hiện nay tình trạng thiếu kẽm đang xảy ra ở nhiều trẻ em, là một vấn đề quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng. BsCKII. Nguyễn Quốc Tính – Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến – BVĐK tỉnh Bình Định cho biết: ”Nguyên nhân dẫn đến thiếu kẽm là do tăng nhu cầu về kẽm nhưng không được đáp ứng: trẻ sinh ra nhẹ cân, bệnh còi xương, các thời kỳ tăng trưởng nhanh; giảm cung cấp hoặc thiếu kẽm trong khẩu phần ăn, chế độ ăn thiếu cân bằng, thiếu đạm; ở trẻ do tiêu hóa hoặc hấp thụ kém. Do đó, đối với trẻ bị tiêu chảy, việc bổ sung kẽm giúp giảm thời gian tiêu chảy và độ nặng của bệnh. Kẽm cũng có vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục nhanh chóng các tế bào biểu mô niêm mạc ruột và hệ miễn dịch của trẻ. Đối với bệnh sốt rét, tỉ lệ mắc sốt rét giảm khi cho thêm kẽm ở trẻ 6-60 tháng tuổi. Hay đối với HIV, nồng độ kẽm trong máu thấp ở nhóm HIV dương tính đang tiến triển đến giai đoạn AIDS”.
Hinh bai viet Vai tro cua kem doi voi su phát trien cua tre 2
Cần bổ sung thực phẩm có chứa hàm lượng kẽm đầy đủ để phòng các bệnh cho trẻ.
Đối với trẻ nhỏ, dấu hiệu thường thấy ở tình trạng thiếu kẽm là: chán ăn, tiêu chảy kéo dài, cơ bắp nhão, teo, rối loạn giấc ngủ, thời gian ngủ ngắn, thiếu máu dinh dưỡng, buồn bực, kém linh hoạt, hay quấy khóc, thương tổn ở da và mắt, chậm lớn… Ngoài ra, trẻ thiếu kẽm nặng còn có thêm các biểu hiện: trẻ không ăn thịt, khóc đêm kéo dài, nôn kéo dài không rõ nguyên nhân, kẽm huyết thanh giảm xuống dưới 70mcg/dl ở trẻ em, chậm tăng trưởng, viêm da (tổn thương thường ở mặt duỗi của chi trên và dưới), viêm quanh lỗ tự nhiên, chậm trưởng thành giới tính và bất lực, thiểu năng sinh dục và các tổn thương biểu mô khác (viêm lưỡi, loạn dưỡng móng, rụng lông, rụng tóc). Không những thế, trẻ còn suy giảm miễn dịch; rối loạn hành vi, cảm xúc; quáng gà; chậm lành vết thương, vết loét do nằm lâu; giảm thèm ăn và tiêu thụ thức ăn; tổn thương ở mắt bao gồm chứng sợ ánh sáng, mất thích nghi với bóng tối.
Như chúng ta đã biết, kẽm là nguyên tố khoáng vi lượng đứng hàng thứ 6 trong cơ thể con người, chỉ chiếm 150mg đến 250 mg trọng lượng cơ thể nhưng nó lại có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của con người nói chung và trẻ em nói riêng. Lượng kẽm trong cơ thể được phân bố là 50% trong cơ bắp, 20% trong xương, 30% còn lại trong não, võng mạc, tiền liệt tuyến. Chính vì 70% kẽm có trong cơ bắp và xương nên nó có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển về mặt thể chất của trẻ.
Kẽm đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng của hệ xương nên trẻ cần được bổ sung một cách đầy đủ và hợp lý để có thể phát triển toàn diện. Đối với những trẻ chậm lớn, suy dinh dưỡng, còi xương việc bổ sung kẽm sẽ có tác động tích cực cải thiện rõ rệt về cả cân nặng và chiều cao. Đồng thời, bổ sung lượng kẽm cho cơ thể sẽ giúp hỗ trợ điều trị các bệnh nhiễm trùng, táo bón, tiêu chảy, tăng sức đề kháng giúp trẻ chống chọi bệnh tật và giúp cho trẻ có khả năng tư duy, trí nhớ tốt. Do vậy, thiếu kẽm sẽ là rào cản lớn cho quá trình sinh trưởng và phát triển của trẻ.
Kẽm được thải ra ngoài với một lượng lớn qua dịch ruột, dịch tụy (2-5mg), còn lại qua nước tiểu (0,5-0,8mg) và mồ hôi (0,5mg). Vì vậy, nếu chế độ ăn cho trẻ không đảm bảo, trẻ rất dễ bị thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa. Kẽm có vai trò sinh học quan trọng, nó tác động lên quá trình tổng hợp, phân giải acid nucleic và protein – đây là những thành phần quan trọng nhất của sự sống. Vậy việc bổ sung kẽm qua thức ăn sẽ tốt hơn hay là nên dùng những thực phẩm bổ sung - đây cũng là vấn đề mà nhiều bà mẹ đang quan tâm. Thực tế, trong quá trình chế biến, lượng kẽm trong thức ăn đã bị thất thoát nhiều, mà trẻ nhỏ là đối tượng rất lười ăn. Đồng thời, với trẻ nhỏ, hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh việc hấp thụ vi lượng kẽm, sắt, viatmin và khoáng chất đều khó. Do vậy, việc cung cấp kẽm qua thức ăn sẽ không đủ cho cơ thể, nên việc bổ sung kẽm bằng các sản phẩm cung cấp vi lượng là rất cần thiết.
Về vấn đề phòng và điều trị, được bác sĩ Tính lưu ý:” Khi gặp trường hợp trên, cần đến bác sĩ chuyên khoa để khám và được chỉ định điều trị. Cần phải bổ sung liều dùng kẽm tùy thuộc theo tuổi và tình trạng sinh lý, bệnh lý của trẻ. Cách sử dụng tốt nhất uống trước khi ăn 1 giờ, hoặc 2 giờ sau khi ăn (liều dùng 5mgZn/ngày). Thời gian bổ sung kẽm tuỳ thuộc diễn biến, tình trạng bệnh tật và dinh dưỡng của cơ thể của trẻ, trên thực tế trung bình 3-4 tháng.
Bên cạnh đó để phòng chống tình trạng thiếu kẽm, cần chọn thức ăn giàu kẽm hoặc có bổ sung kẽm. Cho trẻ ăn đầy đủ và đa dạng các loại thực phẩm, nhất là thức ăn có nguồn gốc động vật như thịt, cá, trứng, sữa, hải sản, nhộng tằm, thịt bò, thịt cóc (thịt cóc phải làm thật kỹ, bỏ hết ruột, gan, trứng và da) và tăng thức ăn có chứa hàm lượng kẽm cao như: rau mồng tơi, gan cá, gan heo… Đồng thời tăng thức ăn chứa nhiều chất giúp hấp thu kẽm như những axit-amin có chứa sulfua như methionin, lysine và cystein. Các chất này kết hợp với kẽm tạo nên những dung dịch kẽm hay những phức hợp kẽm.
          Ngoài ra việc phòng chống thiếu kẽm cho trẻ phải được quan tâm cùng với phòng chống thiếu kẽm cho các bà mẹ ngay từ lúc mang thai (khi có các biểu hiện nghén, biếng ăn, giảm ăn, bào thai chậm tăng trưởng) và trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ (không cai sữa sớm trước 12 tháng); sau 4-6 tháng do trẻ phát triển nhanh và nhu cầu tăng, nếu thiếu sữa mẹ phải cho trẻ bú thêm sữa bò; trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 2,5kg phải bổ sung kẽm ngay từ tháng thứ hai sau sinh”./.

Tác giả bài viết: Thùy Vy (Khoa TT-GDSK) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Trang thông tin điện tử Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay2,160
  • Tháng hiện tại38,858
  • Tổng lượt truy cập25,113,450
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây