Hội nghị trực tuyến tăng cường xử lý phản ứng sau tiêm chủng.
Thứ tư - 16/01/2019 22:29
Chiều ngày 16/01/2019, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường xử lý phản ứng sau tiêm chủng với sự tham gia của 700 điểm cầu thuộc 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu Bình Định, tham dự Hội nghị có Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế và đại diện Phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế; đại diện Lãnh đạo và cán bộ y tế của các đơn vị trực thuộc Ngành có liên quan trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe những điểm mới trong Thông tư 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 (Thông tư 51) về việc hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ. Thông tư số 51 có nhiều điểm thay đổi cơ bản so với thông tư trước đó như chẩn đoán phản vệ theo tiêu chuẩn của quốc tế; thay đổi đường tiêm của mũi adrenalin cấp cứu ban đầu từ tiêm dưới da sang tiêm bắp; khoảng cách giữa các mũi tiêm nhắc lại của adrenalin là 15 phút; đối tượng được phép tiêm adrenalin cấp cứu ban đầu được mở rộng khi không có bác sĩ tại nơi xảy ra phản vệ; sửa đổi, bổ sung thành phần hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị y tế;bổ sung hướng dẫn xử trí phản vệ với các trường hợp đặc biệt. Đồng thời, các đại biểu còn nghe về cách hướng dẫn, theo dõi trẻ sau tiêm chủng: phản ứng sau tiêm chủng là hiện tượng đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với các vaccine, cần đưa trẻ đi khám bác sỹ nếu có các dấu hiệu phản ứng bất thường, phản ứng mức độ vừa cần cho nhập viện theo dõi và điều trị, phản ứng nặng sau tiêm chủng cần theo dõi sát và điều trị tích cực; thiết lập hệ thống tư vấn phản ứng sau tiêm chủng các mức độ tại các địa phương và Trung ương. Ngoài ra, nội dung cần tư vấn cho bà mẹ về theo dõi, phát hiện các dấu hiệu của phản ứng sau tiêm chủng cũng rất quan trọng. Theo đó, cán bộ y tế cần phải khám sàng lọc theo Quyết định 2301/QĐ-BYT ngày 12/6/2015 về việc ban hành hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em; khai thác tiền sử đẻ, tiền sử dị ứng, bệnh tật/sử dụng thuốc của trẻ; tiền sử dị ứng, bệnh tật của gia đình; tiền sử tiêm chủng của trẻ; tiền sử phản ứng sau tiêm chủng đặc biệt phản ứng sau tiêm chủng của lần tiêm chủng trước; hướng dẫn bà mẹ cách theo dõi trẻ sau tiêm chủng và thông báo cho cán bộ y tế nếu trẻ có dấu hiệu bất thường về sức khỏe của trẻ... Hội nghị được tổ chức nhằm củng cố và nâng cao kiến thức về xử trí phản ứng sau tiêm, đặc biệt là các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng.