Kết quả thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2019
Thứ năm - 06/06/2019 21:47
Theo Báo cáo tổng kết quả thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) trong Tháng hành động vì ATTP của Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, toàn tỉnh có tổng số 176 đoàn thanh tra, kiểm tra được thành lập. Trong đó, số đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tuyến tỉnh: 03 đoàn (chuyên ngành 01 đoàn); tuyến huyện: 14 đoàn; tuyến xã: 159 đoàn.
Qua các đợt thanh tra, kiểm tra kết quả cho thấy, đa số các cơ sở được kiểm tra đều đảm bảo các điều kiện ATTP theo quy định. Trong tổng số cơ sở thực phẩm được thanh tra, kiểm tra là 2.016 cơ sở (trong đó cơ sở sản xuất chế biến: 102; dịch vụ ăn uống: 1.555; kinh doanh thực phẩm: 359). Trong đó số cơ sở đạt là 1.879 (tỷ lệ 93,2%), 137 cơ sở vi phạm các quy định về ATTP (tỷ lệ 6,8%), 17 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính (tỷ lệ 0,8%) với số tiền phạt 64.000.000 đồng và 120 cơ sở có vi phạm nhưng không xử lý (chỉ nhắc nhở). Ngoài ra, ngành Nông nghiệp đã tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 25 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản (19 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và 06 cơ sở nông lâm thủy sản), trong đó có 04 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp vi phạm (đã phạt 02 cơ sở với số tiền 8.000.000 đồng và 02 cơ sở đang xử lý).
Hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống đều có ý thức chấp hành đúng các quy định của pháp luật về ATTP, vệ sinh cơ sở sạch sẽ, có đầy đủ dụng cụ chế biến thực phẩm, chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến được khám sức khỏe và tập huấn kiến thức về ATTP định kỳ theo quy định…Tuy nhiên, bên cạnh các cơ sở chấp hành đúng thì vẫn còn các cơ sở chưa thực hiện đúng các quy định về ATTP như: vi phạm về quy định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; quy định về sử dụng chất cấm, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi; điều kiện vệ sinh cơ sở, điều kiện trang thiết bị, dụng cụ; điều kiện con người và các vi phạm khác. Các đoàn thanh tra, kiểm tra đã tiến hành xử lý các cơ sở vi phạm theo quy định. Ngoài ra, trong quá trình thanh tra, kiểm tra các đoàn đã tiến hành lẫy mẫu thực phẩm làm xét nghiệm hóa lý, vi sinh và test nhanh chỉ tiêu chất lượng thực phẩm tại cơ sở nhằm sàng lọc các sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn, đã thực hiện 79 test nhanh nhằm sàng lọc các sản phảm thực phẩm không bảo đatm an toàn và cho kết quả âm tính; đã tiến hành lấy 10 xét nghiệm vi sinh và 09 xét nghiệm hóa lý gửi labo để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn, kết quả tất cả các mẫu thực phẩm có chỉ tiêu an toàn phù hợp với hồ sơ công bố. Như vậy, nhìn chung các hoạt động triển khai trong Tháng hành động vì ATTP được sự thuận lợi với sự chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh, hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức triển khai Tháng hành động vì ATTP, đã huy động được các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tập thể và cá nhân ở địa phương tích cực tham gia vào các hoạt động bảo đảm chất lượng vệ sinh ATTP. Trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về ATTP ngày càng được chú trọng và được tăng cường với nhiều hình thức và nội dung phong phú; đã góp phần tác động lớn đến nhận thức của chủ cơ sở, người trực tiếp tham gia vào sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra ATTP trên địa bàn tỉnh cũng được tăng cường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Trong thời gian đến, Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh đề nghị Ban chỉ đạo tuyến huyện tăng cường công tác tuyên truyền về VSATTP để các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thực hiện đúng theo Luật An toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức VSATTP lên các thông tin đại chúng; chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra kịp thời phát hiện hành vi vi phạm về VSATTP, yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các cơ sở vi phạm trên địa bàn mình quản lý theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo UBND cấp xã chú trọng thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về VSATTP tại địa phương; phân công cán bộ kiêm nhiệm để phát huy tốt vai trò quản lý về VSATTP tại địa phương; đồng thời có kế hoạch kiểm tra kịp thời, thường xuyên tại các cơ sở thực phẩm nhằm chấn chỉnh, uốn nắn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính đối với các cơ sở vi phạm nhiều lần sau khi đã được nhắc nhở khắc phục mà vẫn cố tình vi phạm về VSATTP; cử cán bộ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn trong công tác quản lý nhà nước về ATTP nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATTP và đảm bảo thông suốt trong công tác phối hợp giữa các tuyến./.
Tác giả bài viết: Thùy Vy (Khoa TT-GDSK) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh