Trung tâm Y tế Hoài Nhơn tích cực triển khai các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết.

Thứ năm - 13/08/2020 05:21
Trong năm 2020, nhất là từ tháng 6 đến nay trên địa bàn Hoài Nhơn dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) có xu hướng tăng trở lại. Những nguyên nhân làm cho dịch bệnh SXH tăng là các địa bàn dân cư chưa thực hiện thường xuyên việc diệt bọ gậy hàng ngày tại hộ gia đình và nơi công cộng, kết hợp với việc người dân tích trữ nước sinh hoạt trong thời tiết hạn hán kéo dài…
Chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước tại hộ gia đình, thị xã Hoài Nhơn (ảnh Lê Vân)
Chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước tại hộ gia đình, thị xã Hoài Nhơn (ảnh Lê Vân)
        Từ đầu năm  đến nay, thị xã Hoài Nhơn đã ghi nhận gần 600 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Toàn thị xã có 36 ổ dịch; 17/17 xã, phường; 123/155 thôn, khu phố có ca bệnh SXH dengue. Ca bệnh, ổ dịch vẫn tập trung nhiều ở các xã trọng điểm dịch SXH tại các xã như Hoài Tân 62 ca, 05 ổ dịch; Hoài Hảo 62 ca, 03 ổ dịch; Tam Quan Bắc 52 ca, 03 ổ dịch; Tam Quan Nam 48 ca, 02 ổ dịch; Bồng Sơn 47 ca, 03 ổ dịch; Tam Quan 43 ca, 02 ổ dịch; Hoài Châu 41 ca, 02 ổ dịch; Hoài Hải 21 ca, 02 ổ dịch; một số xã dịch bệnh SXH mới nổi so với các năm trước: Hoài Phú 50 ca, 4 ổ dịch; Hoài Thanh  30 ca, 3 ổ dịch; Hoài Hương 31 ca, 03 ổ dịch, còn lại rải rác các xã, phường. So với cùng kỳ năm 2019 số ca bệnh giảm 36%, số ổ dịch giảm 30% (7 tháng/2019: 793 ca, 47 ổ dịch); dịch SXHD kéo dài từ các tháng cuối năm 2019 và giảm dần các tháng đầu năm 2020 đến tháng 5 dịch bắt đầu tăng trở lại (tháng 4: 16 ca, 2 ổ dịch; tháng 5: 76 ca, 6 ổ dịch; tháng 6: 111 ca, 7 ổ dịch, tháng 7: 131 ca, 12 ổ dịch).
        Từ những tháng đầu năm, Trung tâm Y tế thị xã đã chỉ đạo các Trạm Y tế trên địa bàn tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, phổ biến các biện pháp phòng chống dịch bệnh SXH trên các phương tiện thông tin đại chúng thị xã và hệ thống loa truyền thanh xã, phường, nhất là các xã trọng điểm và các xã có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết SXH. Khi SXH tăng cao, các địa phương tổ chức Chiến dịch diệt bọ gậy phòng chống SXH với qui mô toàn thị xã để ngăn chặn dịch bùng phát, nhất là trong dịp hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống SXH 15/6; tham mưu UBND thị xã ban hành công văn chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng chống SXH trên địa bàn và tiếp tục thực hiện Kế hoạch liên tịch về việc phối hợp với UBMTTQVN cùng cấp và các hội, đoàn thể thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống bệnh sốt xuất huyết”. Huy động ban ngành, đoàn thể, hội viên, đoàn viên tích cực tham gia tuyên truyền, vận động và thực hiện diệt bọ gậy phòng chống SXH tại khu dân cư. Tuy nhiên, hoạt động không được thường xuyên nên dịch bệnh SXH vẫn là mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng. Vì thế, để góp phần giải quyết triệt để dịch bệnh SXH ngoài công tác tuyên truyền, vận động thường xuyên bằng nhiều hình thức và có trọng tâm, trọng điểm thì cần phải có các biện pháp chế tài mới có thể ngăn chặn được dịch bệnh SXH kéo dài và dễ bùng phát.
        Thời gian qua, Trung tâm Y tế thị xã đã thực hiện tốt việc giám sát đồng bộ về ca bệnh, côn trùng, huyết thanh, trong đó thường xuyên giám sát ca bệnh tại Trung tâm Y tế và Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn, 100% ca bệnh được phát hiện tại bệnh viện được giám sát tại cộng đồng. Giám sát côn trùng SXH được thực hiện liên tục, thường xuyên theo chỉ điểm dịch tễ. Ngoài những khu vực ổ dịch, giám sát côn trùng SXH còn được thực hiện tại các khu vực dân cư nguy cơ cao, kịp thời xử lý chủ động khi các chỉ số côn trùng vượt ngưỡng. Ngoài ra, Trung tâm Y tế còn thực hiện phun hóa chất trong các khu vực có bệnh nhân mắc SXH, khu vực đông dân cư, nơi có nguy cơ cao bùng phát bệnh SXH. Chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, máy phun thuốc diệt muỗi để chủ động thực hiện xử lý ổ dịch khi có dịch bệnh SXH xảy ra trên địa bàn. Những ngày đầu tháng 8, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức xe tiến hành phun hóa chất chủ động tại Phường Tam Quan, Hoài Hương và Bồng Sơn.
        Trong thời gian tới, để giảm tình hình dịch SXH trên địa bàn thị xã, bà Trần Thị Lệ Kiều, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Hoài Nhơn, cho biết: Trước hết tiếp tục củng cố, phát huy mô hình “khu dân cư không có bọ gậy, lăng quăng do hội, đoàn thể chủ trì” và Đội xung kích phòng chống SXH, Tổ tự quản theo đơn vị thôn, khu phố (toàn thị xã hiện có 155 đội xung kích/155 thôn, khu phố với gần 1.500 đội viên); tăng cường công tác giám sát nhất là tại cộng đồng để phát hiện ca bệnh sớm, đánh giá nguy cơ qua các chỉ số côn trùng SXH để có các biện pháp ứng phó kịp thời; xử lý chủ động các khu vực nguy cơ qua giám sát, mở rộng xử lý hóa chất diệt muỗi các ổ dịch đã được xác định với qui mô toàn thôn, khu phố; tổ chức nhiều đợt chiến dịch truyền thông gắn liền với chiến dịch diệt bọ gậy ở các địa phương; chỉ đạo cụ thể các xã, phường đang bùng phát dịch với số ca bệnh nhiều tiến hành diệt bọ gậy hàng tuần, các địa phương khác thực hiện diệt bọ gậy 2 tuần 1 lần; đồng thời sẽ tiến hành phun hóa chất chủ động tại 2 phường Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam và một số xã, phường nếu tình hình dịch chưa có dấu hiệu chững lại.
      Thị xã Hoài Nhơn những năm qua có bệnh SXH lưu hành quanh năm, hiện vẫn đang là địa phương có số ca mắc cao nhất trong toàn tỉnh nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chuẩn bị chu đáo từ khâu chỉ đạo đến việc thực hiện tăng cường các biện pháp truyền thông, giám sát dịch bệnh, huy động được sự tham gia của người dân trong việc diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy. Hy vọng dịch SXH trên địa bàn thị xã không bùng phát thành dịch bệnh lớn và đặc biệt không có trường hợp tử vong.

Tác giả bài viết: Lê Vân - Trung tâm Y tế thị xã Hoài Nhơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Trang thông tin điện tử Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập47
  • Hôm nay2,463
  • Tháng hiện tại37,624
  • Tổng lượt truy cập25,112,216
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây