Hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới 11/7/2020: “Đẩy lùi COVID-19: Cách thức bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái trong bối cảnh hiện tại”.

Thứ hai - 29/06/2020 04:59
Chủ đề Ngày Dân số Thế giới 11/7/2020: “Đẩy lùi COVID-19: Cách thức bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái trong bối cảnh hiện tại” theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA).
Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển (Ảnh Thùy Vy)
Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển (Ảnh Thùy Vy)
        Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả mọi người, các cộng đồng và các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, hậu quả mà mỗi người phải hứng chịu là khác nhau. Phụ nữ, đối tượng chiếm phần lớn trong số nhân viên y tế tuyến đầu, phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm trước vi-rút corona cao hơn. Các chuỗi cung ứng toàn cầu hiện đang gặp phải tình trạng gián đoạn, tác động tới khả năng tiếp cận thuốc tránh thai và gia tăng rủi ro có thai ngoài ý muốn. Lệnh cách ly xã hội được áp dụng trên toàn quốc cùng với hệ thống y tế quá tải khiến các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục không được quan tâm đến và gây gia tăng tình trạng bạo lực trên cơ sở giới.
       Nghiên cứu gần đây của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) nhấn mạnh rằng nếu các quốc gia tiếp tục áp dụng lệnh cách ly xã hội trong vòng 6 tháng tới và các dịch vụ y tế vẫn bị gián đoạn thì 47 triệu phụ nữ ở các quốc gia thu nhập thấp - trung bình sẽ không thể tiếp cận với các phương pháp phòng tránh thai hiện đại. Hệ quả là sẽ có khoảng 7 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn và dự kiến có thêm khoảng 31 triệu vụ bạo lực trên cơ sở giới. Sự gián đoạn trong việc triển khai các chương trình của UNFPA tại cấp cơ sở có thể dẫn tới 2 triệu trường hợp cắt bỏ bộ phân sinh dục nữ và 13 triệu trường hợp tảo hôn trong giai đoạn 2020 – 2030 mà đáng ra đã có thể ngăn chặn được.
      Không chỉ vậy, tỷ lệ nữ giới phải làm việc trong thị trường lao động thiếu an toàn cao hơn và phải chịu ảnh hưởng về kinh tế nặng nề hơn từ đại dịch COVID-19. Gần 60% phụ nữ trên thế giới làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức và có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói cao hơn. Lệnh đóng cửa trường học cùng với nhu cầu gia tăng của người cao tuổi đã khiến cho khối lượng công việc chăm sóc không được trả lương của phụ nữ cũng tăng theo.
Đặc biệt, đại dịch tác động nghiêm trọng tới những cộng đồng chịu thiệt thòi, làm trầm trọng thêm trình trạng bất bình đẳng và cản trở những nỗ lực nhằm giúp không ai bị bỏ lại phía sau của chúng ta. Những hành động ứng phó của chúng ta trước đại dịch COVID-19 tại mỗi quốc gia đóng vai trò quan trọng và sẽ quyết định tới tốc độ hồi phục của thế giới và tác động đến khả năng của chúng ta trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững.
      Trong ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay, các văn phòng UNFPA được khuyến khích nâng cao nhận thức về nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục cũng như tính dễ bị tổn thương của phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh đại dịch, nhấn mạnh đến các cách thức để bảo vệ những thành tựu không dễ gì đạt được, đảm bảo nội dung về quyền và sức khỏe sinh sản và tình dục, được đưa vào chương trình nghị sự quốc gia và tìm kiếm những phương pháp duy trì đà phát triển, hướng tới việc đạt được các mục tiêu Phát triển bền vững vào năm 2030 như đã trình bày tại Hội nghị Thượng đỉnh Nairobi về Dân số và Phát triển.
        Hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới 11/7/2020:
       Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân số và phát triển đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo định hướng Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác Dân số trong tình hình mới; Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017. 
Tăng cường sự tham gia đồng bộ, tích cực, trách nhiệm của các cấp, các ngành, mọi tầng lớp nhân dân và sự giúp đỡ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế để hoàn thành mục tiêu về Dân số và Phát triển theo định hướng Nghị quyết số 21-NQ/TW, Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; Chương trình Truyền thông Dân số đến năm 2030; Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030.
      Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động vận động, truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển góp phần đạt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm tốc độ mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT), tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ tầm soát, chẩn đoán và điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, tăng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, đặc biệt là vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên, thanh niên (VTN/TN), tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân.
     Vừa qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Bình Định đã ban hành Công văn số 75/CCDSKHHGĐ-TTDS ngày 26/6/2020 về việc hướng dẫn các hoạt động truyền thông hưởng ứng kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11/7/2020. Theo đó, Chi cục DS-KHHGĐ đề nghị các đơn vị tổ chức các sự kiện truyền thông trọng điểm trên kênh truyền thông đại chúng các cấp và truyền thông trực tiếp tại cơ sở. Tuyên truyền về các vấn đề đang đặt ra đối với công tác dân số và phát triển (chăm sóc SKSS VTN/TN, MCBGTKS, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số, cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em, cơ cấu dân số vàng, già hóa dân số, chăm sóc sức khỏe NCT, tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân); tổ chức các hội nghị, hội thảo, mít tinh, cổ động, diễu hành, diễn đàn, đối thoại, giao lưu, tọa đàm cấp tỉnh, cấp huyện về thực trạng, thách thức và giải pháp từng bước giải quyết vấn đề dân số và phát triển trong những thời gian tới. Lồng ghép các hoạt động truyền thông trong các sinh hoạt văn hóa, hoạt động của các đoàn thể, sinh hoạt cộng đồng; tổ chức cung cấp sách mỏng, tờ rơi và nói chuyện chuyên đề ở cấp xã và cơ sở; triển khai các loại hình cung cấp thông tin, dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số cho người dân tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biển, đảo và ven biển (ưu tiên các nhóm đối tượng là NCT, phụ nữ mang thai và nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn).

       Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đề nghị tập trung tuyên truyền phổ biến chủ trương, luật pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước, những định hướng công tác dân số và phát triển trong thời gian tới như Nghị quyết số 21-NQ/TW; Nghị quyết số 137/NQ-CP; Quyết định số 1619/QĐ-BYT ngày 06/3/2018 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ; Chiến lược Dân số Việt Nam, Truyền thông Dân số, điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng…. Các Nghị quyết của cấp ủy, Kế hoạch hành động của chính quyền các cấp. Tăng cường tuyên truyền và đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho phụ nữ, trẻ em gái trong điều kiện có thiên tai, đặc biệt trong dịch COVID-19 đang diễn ra hiện nay; tuyên truyền về tác hại của phá thai (tập trung tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng mang thai ngoài ý muốn và phá thai ở tuổi VTN/TN); tuyên truyền về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho nhóm đối tượng tại các vùng cao, vùng dân tộc thiểu số; đẩy mạnh xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng. Tuyên truyền để giảm thiểu MCBGTKS, phổ biến pháp luật về việc nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, luật bình đẳng giới, luật phòng, chống bạo lực gia đình, luật hôn nhân gia đình; tăng cường truyền thông về bình đẳng giới, nêu cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội; tăng cường giáo dục về kỹ năng sống hiệu quả, giáo dục giới tính toàn diện chú trọng bình đẳng giới để trẻ em gái được an toàn và phát triển đầy đủ thể chất và trí tuệ là điều cần thiết cho sự phát triển.
       Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đề nghị Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành phố phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, triển khai tổ chức thực hiện, tổ chức kiểm tra, giám sát và báo cáo kết quả các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7/2020 về Chi cục DS – KHHGĐ trước ngày 25/7/2020 để tổng hợp báo cáo cấp trên./.

Tác giả bài viết: Thùy Vy (Khoa TT-GDSK) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Trang thông tin điện tử Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay988
  • Tháng hiện tại40,036
  • Tổng lượt truy cập25,114,628
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây