Ngành Y tế tăng cường các hoạt động phòng chống bệnh sốt xuất huyết
Thứ năm - 18/06/2020 21:43
Từ đầu năm 2020 đến ngày 31/05/2020, toàn tỉnh Bình Định ghi nhận 2.011 ca bệnh SXH, 01 trường hợp tử vong tại Quy Nhơn. Ca bệnh được ghi nhận ở 11/11 huyện, thị xã, thành phố, phân bố như sau: Hoài Nhơn 340 ca, Quy Nhơn 308 ca, Tuy Phước 267 ca, Tây Sơn 267 ca, An Nhơn 248 ca, Phù Mỹ 206 ca, Phù Cát 158 ca, Hoài Ân 77 ca, Vĩnh Thạnh 71 ca, Vân Canh 48 ca, An Lão 21 ca. Số mắc SXH giảm 40% so với cùng kỳ năm 2019 (ghi nhận 3.366 ca bệnh). Phát hiện và điều tra, xử lý 113 ổ dịch, giảm 63 ổ dịch so với cùng kỳ năm 2019.
Bác sỹ Huỳnh Vĩnh Thu – Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Mặc dù thời tiết nắng nóng nhưng ổ bọ gậy tại các điểm điều tra vẫn rất đa dạng. Quạt nước là dụng cụ có tỷ lệ có bọ gậy cao nhất (chiếm 25%), tiếp đến là xô/thùng và phế thải (15,8%), máng gia cầm (14,5%).... Trong các dụng cụ chứa nước có bọ gậy thì quạt nước, bể nước lò rèn và lốp xe có mật độ bọ gậy cao”.
Trước tình hình đó, ngành Y tế đã triển khai công tác giám sát bệnh nhân sốt xuất huyết thường xuyên tại tất cả các bệnh viện và cộng đồng nhằm phát hiện sớm ca bệnh sốt xuất huyết. Kết quả giám sát được báo cáo hàng ngày qua hộp thư điện tử, qua phần mềm GSBTN; báo cáo, phản hồi kịp thời ca bệnh cho tuyến dưới để tổ chức điều tra cộng đồng, phát hiện sớm ổ dịch. Tổ chức điều tra, xác minh các ổ dịch và triển khai xử lý theo quy định. 100% ổ dịch đều được điều tra và xử lý đúng quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế. Giám sát và báo cáo trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tại Quy Nhơn. Triển khai giám sát véc tơ hàng tháng tại các ổ dịch cũ và theo chỉ điểm dịch tễ. Tổ chức giám sát chỉ số véc tơ trước và sau khi xử lý 01 - 02 ngày để đánh giá hiệu quả của đợt xử lý. Bố trí cán bộ giám sát việc tổ chức hoạt động diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi tại các địa phương theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bảo đảm hạ thấp chỉ số côn trùng xuống ngưỡng an toàn sau xử lý.
Bên cạnh đó, khi phát hiện ca bệnh được phản hồi trên phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm hoặc phản hồi của tuyến trên, Trung tâm Y tế huyện và trạm y tế xã tiến hành điều tra và xác minh ổ dịch. Nếu phát hiện ổ dịch, lập kế hoạch và triển khai xử lý dịch trong vòng 48 giờ sau khi phát hiện. Đồng thời tham mưu UBND chỉ đạo tổ chức các biện pháp và huy động các lực lượng tham gia phòng, chống dịch. Đồng thời, các địa phương đã căn cứ vào tình hình bệnh nhân, chỉ số véc tơ cụ thể ở mỗi địa phương và xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch.
Năm 2020, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến rất phức tạp trên thế giới và cả Việt Nam do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Song song với các hoạt động phòng chống dịch bệnh COVID-19, các địa phương cũng đã duy trì các hoạt động giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh, đảm bảo các ổ dịch không lan rộng, kéo dài. Với sự nỗ lực của các địa phương và ngành Y tế, đến nay cơ bản đã khống chế không để bùng phát dịch trên diện rộng.
Trong thời gian tới, tiếp tục tăng cường chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia phòng, chống SXH bằng những việc làm cụ thể. Đảng ủy, UBND các địa phương tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó đặc biệt là tổ chức các chiến dịch diệt bọ gậy một cách hiệu quả từ nay cho đến hết năm. Có biện pháp cụ thể để vận động và đốc thúc các hộ gia đình duy trì thường xuyên việc kiểm tra và diệt bọ gậy tại các hộ gia đình. Giám sát, phát hiện và xử lý sớm, triệt để tất cả các ổ dịch. Nâng cao hiệu quả các hoạt động diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch và khu vực nguy cơ. Khoanh vùng xử lý ổ dịch và vùng nguy cơ phù hợp, bảo đảm dập tắt dịch và không để lây lan ra khu vực khác…
Tác giả bài viết: Thu Phương - Khoa TT-GDSK- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật