BỆNH VIÊM KẾT MẠC CẤP – BỆNH THƯỜNG XUẤT HIỆN Ở THỜI ĐIỂM GIAO MÙA

Thứ năm - 29/08/2019 22:21
Bệnh đau mắt đỏ hay thường gọi là bệnh viêm kết mạc là một bệnh mắt rất phổ biến. Bệnh mắt đỏ xảy ra ở tất cả các lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở trẻ em và người già. Bệnh thường xảy ra ở mọi thời điểm trong năm, đặc biệt trong thời gian giao mùa bệnh này gia tăng nhanh.
Cán bộ y tế khám mắt cho trẻ tại Bệnh viện Mắt Bình Định
Cán bộ y tế khám mắt cho trẻ tại Bệnh viện Mắt Bình Định
    Bệnh đau mắt đỏ thường gặp nhiều ở trẻ em, nó có thể xuất hiện vào tất cả các thời điểm trong năm, nhưng thường có những đợt bùng phát thành dịch, nhất là vào những thời điểm giao mùa. Lý giải điều này BsCKI. Phan Thị Thu Hà –Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Mắt tỉnh Bình Định cho biết:” Khi bị viêm cấp tính thì các mạch máu ở trên kết mạc sẽ bị sung huyết đỏ lên, làm cho mi mắt sưng vù. Vì vậy người dân vẫn quen gọi bệnh viêm kết mạc cấp là bệnh đau mắt đỏ. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra viêm kết mạc cấp hay đau mắt đỏ nhưng nguyên nhân chính là do nhiễm trùng gồm có vi rút và vi trùng làm cho bệnh có thể lây lan thành dịch từ người nọ sang người kia”.
    Bệnh đau mắt đỏ là do vi khuẩn và vi rút, nguyên nhân trong các đợt dịch đau mắt đỏ là do Adeno vi rút là tác nhân chính gây nên viêm kết mạc cấp. Bệnh đau mắt đỏ là một bệnh phổ biến xảy ra ở mọi lứa tuổi và xảy ra ở mọi thời điểm trong năm. Tuy nhiên vào thời điểm giao mùa, tức là từ mùa khô chuyển qua mùa mưa hoặc thay đổi thời tiết thì bệnh đau mắt đỏ lại tăng nhanh.
   Cũng theo BsCKI. Phan Thị Thu Hà:”Bệnh đau mắt đỏ thường khởi phát ở các trẻ nhỏ với các triệu chứng điển hình như: cộm, sốn, ngứa mắt, sưng đỏ mí và kết mạc khiến trẻ rất khó chịu nên thường xuyên dụi mắt, kèm theo chịu triệu chứng chảy nước mắt và ra rỉ ghèn, nhất là vào buổi sáng ghèn làm dính chặt lông mi rất khó mở mắt. Một số trường hợp viêm kết mạc cấp do vi rút sẽ bị nổi hạch trước tai sưng và đau. Nếu nguyên nhân là vi trùng thì ghèn thường có màu vàng đặc như mủ, một số trẻ có kèm theo các triệu chứng viêm đường hô hấp như ho, sốt, sổ mũi, khò khè”.
   Bình thường bệnh sẽ giảm dần và hết sau 1-2 tuần, nếu bệnh nhân bị biến chứng viêm giác mạc sẽ có biểu hiện chảy nước mắt, nhìn mờ, chói mắt khi nhìn ra ánh sáng. Trường hợp này nếu không được điều trị đúng và kịp thời có thể gây loét giác mạc rất nguy hiểm và ảnh hưởng tới thị lực lâu dài. Một số trường trường hợp tiến triển nặng các sợi Fibrine kết hợp với tế bào viêm và vi khuẩn sẽ tạo thành một màng giả bám chặt ở mặt trong kết mạc cùng đồ, gây sưng húp mi mắt, loét trợt biểu mô giác mạc rất nguy hiểm, có thể kèm theo xuất huyết kết mạc và chảy nước mắt lẫn máu hồng.
    Viêm kết mạc cấp chủ yếu lây lan bằng đường tiếp xúc trực tiếp với rỉ ghèn của bệnh nhân qua tay bệnh nhân hoặc những người trong gia đình không vệ sinh sạch sẽ. Đường lây nữa là qua hơi thở và nước bọt, người bệnh có mang mầm bệnh như khi hôn, nói chuyện quá gần, ho, hắt hơi không che miệng hoặc mang khẩu trang. Bệnh có thể lây qua những vật dùng chung như ly cốc, khăn mặt, chậu rửa, chăn gối vì vậy bệnh có thể lây lan nhanh thành dịch ở các trường học, ký túc xá, doanh trại … Đặc biệt có một hình thức lây lan rất mạnh đó là qua nước hồ bơi, khi một đứa trẻ bị đau mắt đỏ đi tắm hồ vi trùng sẽ tồn lưu trong nước một thời gian là lây truyền cho những trẻ khác. Khi bị đau mắt đỏ là bệnh nhân đang mang mầm bệnh và mầm bệnh này có thể lây cho người khác, do đó khi bị đau mắt đỏ nhất là đối với trẻ em thì cần phải cho trẻ ở nhà là hợp lý, bởi vì khi ở nhà trẻ sẽ tránh được sự lây lan cho những trẻ khác, đồng thời thì sự chăm sóc cũng như sự hạn chế vi khuẩn vào mắt làm cho sự điều trị của bệnh nhân được hiệu quả hơn. Tuy nhiên đối với người lớn không nhất thiết phải ở nhà vì tùy thuộc vào điều kiện làm việc và môi trường làm việc.
   Để phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ, BS. Hà lưu ý: “Hàng ngày, chúng ta (nhất là trẻ em) không nên dụi mắt bằng tay bẩn. Phải rửa tay kỹ và thường xuyên bằng xà phòng nhất là trước khi chăm sóc cho người khác, hạn chế bắt tay và tiếp xúc trực tiếp. Ngay sau khi chăm sóc cho trẻ và nhỏ thuốc cho trẻ phải rửa sạch tay bằng xà phòng, lau khô. Khi trong nhà có trẻ bị đau mắt đỏ thì khi tiếp xúc gần với trẻ nhỏ chúng ta nên lau ghèn, nước mắt bằng các loại khăn giấy hoặc các loại coton ẩm, sau khi lau thì vứt đi ngay, không nên dùng lại và không nên dùng khăn tay để vệ sinh mắt vì khăn tay là vật trung gian có thể làm bệnh nặng thêm. Với những người trong gia đình thì không nên nói chuyện quá gần, không nên ôm ấp, hôn hít, hoặc ngủ chung với người bệnh.
    Ngoài ra, khi bị đau mắt đỏ bệnh nhân cần phải mang kính mát ra đường, việc đeo kính mát này hạn chế được sự xâm nhập của vi khuẩn khác vào mắt. Bệnh nhân tuyệt đối không được không được dùng những phương tiện dân gian như chườm nóng, xông nóng, xông bạc hà, xông lá trầu và sử dụng thuốc của người này để nhỏ, phòng ngừa hoặc điều trị cho người khác điều đó càng làm bệnh nặng thêm. Điều này hết sức nguy hiểm. Chúng ta cũng có thể áp dụng một số biện pháp hỗ trợ trong quá trình điều trị như: Đắp khăn ấm lên mắt làm giảm đau và khó chịu, rửa mặt bằng xà phòng nhẹ để loại bỏ bớt tác nhân gây bệnh, dùng nước muối sinh lý để rửa mắt và làm mềm lông mi nhất là vào buổi sáng. Bổ sung Vitamine C để tăng cường sức đề kháng như nước cam, chanh hoặc uống Vitamin C 30mg/kg cân nặng/1 ngày”.
    Đau mắt đỏ là một bệnh nhiễm trùng mắt, do đó bệnh nhân cần phải nhỏ thuốc theo sự hướng dẫn của bác sỹ, bệnh nhân có thể sử dụng những thuốc như nước muối sinh lý, những thuốc giảm nhẹ triệu chứng, kháng viêm, kháng sinh thông thường tra, nhỏ tại chỗ. Tuy nhiên nếu điều trị không đúng theo chỉ định và không kịp thời sẽ có những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới thị lực lâu dài của bệnh nhân. Vì vậy khi có các dấu hiệu viêm kết mạc cấp chúng ta nên đến khám và điều trị tại các bác sỹ chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị đúng./.

Tác giả bài viết: Thùy Vy (Khoa TT-GDSK) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Trang thông tin điện tử Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay2,261
  • Tháng hiện tại38,959
  • Tổng lượt truy cập25,113,551
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây