Bệnh viện Mắt tỉnh Bình Định nỗ lực đem lại ánh sáng cho trẻ
Chủ nhật - 25/08/2019 21:54
Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Mắt tỉnh, trung bình mỗi năm có trên 10.000 trẻ đến khám, điều trị, hầu hết trong số đó đều có dị tật bẩm sinh hoặc bệnh lý về mắt. Ngoài bệnh nhân trong tỉnh, Bệnh viện còn tiếp nhận điều trị cho nhiều trẻ các tỉnh lân cận như Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên… giúp giảm thời gian, chi phí khi phải chuyển tuyến điều trị ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Khoa Mắt trẻ em của Bệnh viện Mắt tỉnh chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10 năm 2018, với hỗ trợ toàn diện của Tổ chức Orbis Việt Nam về trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực. Đến nay, Khoa đã trở thành một trong 5 địa chỉ của cả nước chuyên sâu về điều trị mắt ở trẻ em, với 3 bác sĩ, 3 điều dưỡng và 1 kỹ thuật viên được đào tạo bài bản. Để hỗ trợ phẫu thuật, Bệnh viện còn đào tạo cả bác sĩ gây mê.
Bác sĩ Nguyễn Thành Tân, Phó phụ trách khoa Mắt trẻ em, cho biết, đến thời điểm này, các bệnh lý như lác/lé, sụp mi, đục thủy tinh thể bẩm sinh, quặm, tắc lệ đạo bẩm sinh, hẹp khe mi, các loại u, chấn thương ở mắt trẻ… đều được phẫu thuật, xử lý triệt để. Đặc biệt, khoa Mắt trẻ em đã phối hợp khoa Nhi sơ sinh - BVĐK tỉnh hình thành đơn nguyên điều trị bệnh võng mạc trẻ sinh non (ROP). Nếu trước đây, việc điều trị các bệnh về mắt ở trẻ em đều phải chuyển vào TP Hồ Chí Minh, hoặc ra Hà Nội thì nay Khoa đã điều trị, phẫu thuật được hầu hết, chỉ trừ một số bệnh chuyên sâu quá khó về võng mạc.
Các bệnh lác, sụp mi, đục thủy tinh thể bẩm sinh đều là những bệnh lý về mắt cần được phát hiện sớm và phải điều trị kịp thời. Bởi vì nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn tới tình trạng nhược thị. Bệnh nhân sẽ bị giảm thị lực của một hoặc 2 mắt, thậm chí dần mất thị lực vĩnh viễn. Việc phát hiện và điều trị muộn lúc trẻ đã nhược thị sẽ khiến quá trình điều trị phục hồi rất khó khăn. Các trường hợp phát hiện muộn khi phẫu thuật chỉ có thể giúp trẻ lác cân bằng hai mắt, nhưng thị lực không thể hồi phục.
Tác giả bài viết: Thu Phương - Khoa TT-GDSK- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật